Bóng ma lạm phát đã đe dọa nhiều nền kinh tế lớn, nhất là các nước châu Âu và Mỹ, trong những tháng gần đây. Mặc dù Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde vừa nhấn mạnh rằng, vấn đề lạm phát chỉ là tạm thời, nhưng giới phân tích vẫn chưa hết quan ngại về nguy cơ lạm phát gia tăng và kinh tế trì trệ kéo dài.
Thống kê cho thấy, lạm phát tại Khu vực đồng euro đã tăng hơn 3% trong tháng 8, mức tăng cao nhất trong 10 năm qua, vượt mức mục tiêu 2% của ECB. Nhiều chuyên gia của ECB dự đoán lạm phát sẽ còn tăng cao hơn nữa trong những tháng tới, trước khi giảm trở lại.
Trong khi đó, mối lo tương tự cũng đã gia tăng tại Mỹ khi chỉ số giá tiêu dùng vượt mốc "lịch sử" 5% trong những tháng gần đây. Thống kê giữa tháng 9 vừa qua cho thấy, Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Mỹ trong tháng 8 tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó các chuyên gia cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giám đốc đầu tư Peter Boockvar của Bleakley Advisory Group trong chia sẻ với hãng tin CNBC cho rằng, lạm phát đang là một vấn đề lớn với nền kinh tế số một thế giới, bởi nếu CPI "nóng" hơn dự báo, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể phải công bố cắt giảm chương trình mua tài sản ngay trong cuộc họp tháng 9 này, thay vì đợi đến tháng 11.
Trước những quan ngại về lạm phát, giới lãnh đạo ECB và FED gần đây đã lên tiếng trấn an dư luận. Người đứng đầu ECB, bà Christine Lagarde, trong cuộc trả lời phỏng vấn CNBC cuối tuần qua nhấn mạnh rằng, phần lớn lạm phát tăng là do tình trạng gián đoạn nguồn cung và dự báo vấn đề này "chỉ là tạm thời và sẽ giảm dần trong năm tới", khi thế giới trở lại "trạng thái bình thường mới".
Tuy nhiên, niềm tin lạm phát sẽ "tự động biến mất" của các quan chức tài chính Mỹ và EU hiện vẫn chưa thể xua tan được quan ngại của thị trường về nguy cơ lạm phát cao kéo dài "phủ bóng đen" lên triển vọng kinh tế. Báo chí Mỹ gần đây đã nhiều lần cảnh báo nền kinh tế rơi vào tình trạng "lạm phát cao kết hợp với tăng trưởng trì trệ". Mối lo này đã gia tăng, thể hiện qua việc giới phân tích cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế quý III còn hơn 5%, từ mức trên 6% đưa ra trước đó.
Bên cạnh đó, triển vọng lạm phát giảm cũng vẫn bấp bênh do biến thể Delta đang diễn biến phức tạp. Trong khi đó, những khó khăn toàn cầu khác như các đầu tàu Mỹ và Trung Quốc chững lại, gián đoạn chuỗi cung ứng hay thiếu hụt nguồn cung chip bán dẫn… cũng đang tạo thêm áp lực lớn lên các nền kinh tế lớn trên toàn cầu, nhất là kinh tế Mỹ và EU.
VIỆT MY/nhandan.vn
https://nhandan.vn/binh-luan-quoc-te/bong-ma-lam-phat-de-doa-nhieu-nen-kinh-te-lon-666730/