Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 25/9 cho biết, nước này sẽ cung cấp 120 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho các nước nghèo, tăng gấp đôi so với cam kết trước đó.
Tiêm vaccine Pfizer/BioNTech ngừa Covid-19 tại Nantes, Pháp, ngày 14/9/ 2021. (Ảnh: Reuters)
Phát biểu tại một buổi hòa nhạc do Global Citizen tổ chức, ông Macron phê phán tình trạng bất công trong việc tiếp cận vaccine giữa các nước giàu và nghèo.
“Sự bất công ở chỗ tại các châu lục khác, rõ ràng việc triển khai tiêm vaccine còn chậm trễ hơn rất nhiều. Ở châu Phi, mới chỉ có 3% dân số được tiêm chủng. Chúng ta cần phải hành động khẩn trương hơn”, Tổng thống Pháp kêu gọi.
Nhằm mục tiêu thu hẹp khoảng cách về tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 trên toàn cầu, các nước lớn cũng đã thông báo tăng viện trợ vaccine cho các nước nghèo.
Trước đó, Mỹ cam kết tăng gấp đôi viện trợ vaccine ngừa Covid-19 lên tổng cộng 1,1 tỷ liều. Liên hiệp châu Âu (EU) cam kết phân phối 500 triệu liều vaccine. Trung Quốc mới đây cũng tuyên bố cung cấp cho thế giới tổng cộng 2 tỷ liều vaccine đến cuối năm nay.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla cho biết, nước này sẽ xuất khẩu 8 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 vào cuối tháng 10 tới, sau khi dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vaccine ra nước ngoài trong tuần này, do tốc độ gia tăng các ca lây nhiễm và tử vong mới tại Ấn Độ đang chậm lại.
Ông Shringla khẳng định, phần lớn số vaccine loại tiêm một mũi này của hãng Johnson & Johnson (Mỹ) sẽ được gửi đến các nước châu Á - Thái Bình Dương. Trước khi ngừng xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19, Ấn Độ đã tặng hoặc bán 66 triệu liều vaccine cho gần 100 quốc gia.
Ở các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, các hạn chế đã dần được dỡ bỏ để trở lại với trạng thái bình thường. Tại Hà Lan, từ ngày 25/9, nước này chính thức áp dụng chứng nhận tiêm vaccine hoặc chứng nhận xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 để vào các quán bar, nhà hàng, rạp hát và các địa điểm công cộng khác.
Hà Lan đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp giãn cách xã hội khi 72% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Dù đeo khẩu trang vẫn là yêu cầu bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng, yêu cầu này không áp dụng cho các học sinh và giáo viên tại trường học. Ngoài ra, quy định về giữ khoảng cách tối thiểu 1,5 m ở nơi công cộng cũng đã được dỡ bỏ.
Ở Australia, hai bang đông dân nhất nước này là Victoria và New South Wales đang tăng cường tiêm chủng để đạt ngưỡng 80% dân số được tiêm ít nhất một liều, ngưỡng cho phép giới chức địa phương nới lỏng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Hiện khoảng 3/4 người dân Australia đã được tiêm liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên, trong khi hơn một nửa dân số đã tiêm đủ hai liều.
Thủ tướng Scott Morrison cũng bày tỏ hy vọng các bang sẽ sớm mở cửa trở lại và nới lỏng các hạn chế khi đạt được ngưỡng tiêm chủng 80%.
Ở bang New South Wales đông dân nhất Australia, tỷ lệ tiêm chủng liều đầu tiên đã đạt 85,2% dân số trên 16 tuổi, trong khi 59,1% đã tiêm đủ hai liều. Bang này dự kiến sẽ đạt 80% dân số được tiêm chủng đầy đủ vào tháng 11.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 30 sáng 26/9 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng trên 232,2 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 4,7 triệu ca tử vong. Số ca hồi phục hiện là trên 208,8 triệu ca.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới có thêm 380 nghìn ca mắc Covid-19 và gần 6 nghìn ca tử vong. Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất thế giới, với 54.114 ca, trong khi Nga ghi nhận số ca tử vong cao nhất, với 822 trường hợp.
Tại châu Á, Ấn Độ là nước có số ca mắc mới cao nhất trong châu lục, với trên 28 nghìn trường hợp nhiễm bệnh trong 24 giờ qua. Trong khi đó, Iran ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất khu vực, với 290 trường hợp, đưa số ca tử vong tại nước này lên trên 119 nghìn trong tổng số 5,5 triệu ca mắc.
Trung Hưng/nhandan.vn