Chính trận chiến bảo vệ thủ đô Moscow cách đây tròn 80 năm đã đặt nền móng vững chắc dẫn đến sự thất bại hoàn toàn của Đức Quốc xã vào năm 1945.
Ngày 30-9-1941, Tập đoàn quân xe tăng số 2 của Đại tướng Lục quân Đức Heinz Guderian, đóng tại khu vực thành phố Shostka của Ukraine, mở cuộc tấn công theo hướng Moscow. Ngày 2-10, theo kế hoạch của chiến dịch Bão táp, toàn bộ lực lượng chủ lực của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm đã bắt đầu di chuyển nhằm vào thủ đô của Liên Xô. Đây là cách mở đầu một trong những trận chiến quan trọng nhất của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945).
Hồng quân Liên Xô bảo vệ Thủ đô Moscow. Ảnh: TASS. |
Trong suốt hai tháng, Hồng quân Liên Xô phải dồn toàn bộ lực lượng để kìm hãm sự tấn công ác liệt của kẻ địch đang xông thẳng vào thủ đô Moscow. Giao tranh đẫm máu và khốc liệt đã diễn ra để bảo vệ từng khu dân cư. Sự kháng cự ngoan cường của quân đội Xô viết đã làm tiêu hao lực lượng phát xít, cũng như làm giảm niềm tin của các chỉ huy quân Đức vào việc giành chiến thắng sớm.
Đến cuối tháng 11-1941, cuộc tấn công của quân phát xít đã suy yếu hoàn toàn. Ngày 5-12, Tổng tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân đội tối cao Đức Quốc xã Franz Halder ghi lại trong nhật ký của mình: “Von Bock (chỉ huy của cụm Tập đoàn quân Trung tâm) báo cáo sức lực đã kiệt quệ. Tập đoàn quân xe tăng số 4 sẽ không thể tiến công vào ngày mai được nữa”.
Binh sĩ Liên Xô bảo vệ bầu trời Moscow. Ảnh: Leonid Dorensky/Sputnik. |
Cùng ngày 5-12, Hồng quân Liên Xô đã phát động một cuộc phản công được lên kế hoạch cẩn thận và chuẩn bị kỹ càng. Kết quả, quân địch bị đẩy lùi ra cách xa thành phố 100-250km, trong khi chiến lược “chiến tranh chớp nhoáng” của Đức tại Liên Xô bị sụp đổ hoàn toàn.
“Chúng tôi xây dựng công sự dưới hỏa lực không ngớt của kẻ địch. Chúng tôi không kịp để xây xong, chiến sự diễn ra quá nhanh. Tiếng súng bắn, tiếng gầm rú của xe tăng và tiếng bom dội. Quân Đức ném từ máy bay xuống đất tất cả mọi thứ có trong tay, như thùng phuy, đồ kim loại. Trong chiếc túi từ trên cao rơi xuống chúng tôi, có một thi thể kèm theo dòng chữ: “Chủ tịch nông trang tập thể của các người đây”. Tôi sẽ nỗ lực hết sức để cho bọn phát xít thấy khả năng của những người lính Liên Xô là như thế nào”, trích nhật ký của một chỉ huy học viên Podolsk chép ngày 12-10-1941.
Người dân Moscow đào công sự. Ảnh: Boris Vdovenko/Sputnik. |
“Ban ngày chúng tôi đi học, còn ban đêm thì bảo vệ sân bay, nơi đồn trú của một trung đoàn máy bay tiêm kích. Khi kẻ địch bắt đầu các cuộc tập kích vào Moscow, những người lính tên lửa xuất hiện và bắn vào máy bay Đức, sau đó chúng tôi được cử đi tìm chúng. Chúng tôi phát hiện ra có một kẻ địch và bắt đầu truy đuổi hắn. Hắn nhận ra không còn nơi nào để trốn nữa, nên đã chạy vào nhà vệ sinh và tự sát”, Nikolai Kholyanov, người dân thị trấn Klin ở ngoại ô Moscow, kể lại.
“Đêm hôm đó (từ ngày 16 đến 17-10, khi người dân Moscow hốt hoảng bởi tin đồn về việc thành phố sắp đầu hàng), chúng tôi có cảm giác rằng, quân Đức có thể xuất hiện trên đường phố bất cứ lúc nào. Nhưng chúng đã không đến vào đêm đó. Sáng hôm sau, toàn bộ nhà máy đã được đặt mìn. Khi đó, chỉ cần nhấn nút là cả nhà máy sẽ bị thổi bay lên không trung. Tuy nhiên, sau đó có người từ văn phòng Chủ tịch Hội đồng thành phố Moscow gọi điện đến và nói: “Đừng làm nổ tung bất cứ thứ gì!”. Cùng ngày, có thông báo nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin đang ở Moscow, vì vậy tâm trạng mọi người ngay lập tức thay đổi. Lúc này chúng tôi mới chắc chắn rằng, Moscow sẽ không đầu hàng”, Olga Sapozhnikova, nữ công nhân Nhà máy dệt kim Trekhgornaya Manufaktura, nhớ lại.
Duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ngày 7-11-1941. Ảnh: Arkady Shaikhet/Sputnik. |
“Khi chúng tôi tiến gần đến Moscow, tâm trạng của các chỉ huy và quân đội chúng ta bỗng nhiên thay đổi hẳn. Vào tháng 10 và đầu tháng 11, với sự ngạc nhiên xen lẫn thất vọng, chúng tôi phát hiện ra rằng, những người Nga dù bị đánh bại, nhưng vẫn còn duy trì sức chiến đấu của mình”, Tham mưu trưởng Quân đoàn số 4 của Đức Quốc xã, Tướng Gunther Blumentritt cho biết.
“Ngày 7-11-1941, trung đoàn chúng tôi đã tham gia lễ duyệt binh kỷ niệm 24 năm Ngày Cách mạng Tháng Mười Nga... Chúng tôi được đưa đến Quảng trường Đỏ, khi đó tuyết đang rơi, tâm trạng chúng tôi rất vui, bởi không nghe thấy tiếng súng, không nghe thấy tiếng pháo. Chúng tôi đang ở đâu thế này? Đúng là thiên đường đây rồi! Cuộc duyệt binh này đã có tác động đến chúng ta... Dường như là một cuộc duyệt binh Chiến thắng!” lính pháo binh Liên Xô Gabbas Zhumatov kể lại.
“Đôi khi tôi cố nhớ lại chi tiết các cuộc giao tranh diễn ra ở Moscow, nhưng không thể nhớ được. Mọi ký ức gói gọn chỉ trong một dòng, đó là đói, lạnh và chết chóc vây quanh... Chúng tôi được đưa cho những đôi ủng, còn áo khoác thì vẫn như cũ, những bộ đồ học viên không thể cứu chúng tôi tránh được giá lạnh mùa đông. Lúc nào cũng có chiến sự, xe tăng khai hỏa, đại bác bắn, chúng tôi tấn công, quân Đức tấn công…”, xạ thủ súng máy Pyotr Delyatitsky nhớ lại.
“Nơi đây là địa ngục. Người Nga không muốn rời Moscow. Họ bắt đầu tấn công. Mỗi giờ trôi qua đều mang đến những tin tức khủng khiếp đối với các anh. Xin em hãy ngừng viết thư cho anh nói về vải lụa và ủng cao su, những thứ mà anh đã hứa sẽ mang cho em từ Moscow. Thông cảm cho anh, anh sắp chết rồi, anh đang cảm thấy như vậy”, trích bức thư của Binh nhì quân phát xít Volheimer gửi cho vợ.
Binh sĩ Liên Xô chiến đấu trên tuyết phủ dày đặc. Ảnh: Oleg Knorring/Sputnik. |
“Khi mọi người hỏi điều gì làm tôi nhớ nhất trong cuộc chiến đã qua, tôi luôn trả lời đó là trận chiến bảo vệ Moscow. Trong những điều kiện khắc nghiệt và vô cùng khó khăn gian khổ, quân ta đã khổ luyện, trưởng thành và đúc rút kinh nghiệm. Mặc dù trong tay chỉ có số lượng phương tiện chiến đấu và vật chất cần thiết ở mức tối thiểu, nhưng chúng ta từ chỗ phải rút lui và phòng ngự đã trở thành lực lượng tấn công hùng mạnh… Trận chiến Moscow đã đặt nền móng vững chắc cho sự thất bại về sau của phát xít Đức”, trích cuốn “Hồi ức và suy ngẫm” của Nguyên soái Liên Xô Georgy Zhukov.
QUỐC KHÁNH/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/moscow-duoc-bao-ve-nhu-the-nao-truoc-duc-quoc-xa-672854