Thế giới trước nguy cơ khủng hoảng năng lượng

Thứ 7, 16.10.2021 | 15:07:32
576 lượt xem

Kể từ cuối tháng 8-2021, tình trạng thiếu hụt năng lượng toàn cầu diễn ra ngày càng trầm trọng, gây ra lạm phát giá trên thị trường năng lượng quốc tế, dẫn đến phản ứng dây chuyền trên toàn cầu, tạo ra những nhân tố bất ổn, khủng hoảng khó lường cho thế giới vốn đang vật lộn với đại dịch Covid-19.


Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng thiếu hụt năng lượng trên thế giới, nhưng cuộc khủng hoảng lần này mang tính đặc thù và phức tạp. Lấy giá dầu thô toàn cầu làm ví dụ. Kể từ khi chạm đáy vào ngày 20-4-2020, giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) đã tăng gần như thẳng đứng, phá vỡ dự đoán rằng giá dầu thô quốc tế sẽ tiếp tục giảm. Giá dầu thô Brent biển Bắc giao tháng 11-2021 đã tăng vọt lên 81,26USD/thùng và dự đoán có thể chạm mức 100USD/thùng vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, kể từ tháng 10, giá khí đốt ở châu Âu liên tục phá kỷ lục, giá kỳ hạn tháng 11 trên Sàn giao dịch trung tâm TTF ở Hà Lan-một tiêu chuẩn cho khí đốt tự nhiên ở châu Âu-đã tăng 400% so với đầu năm 2021.

Thế giới trước nguy cơ khủng hoảng năng lượng
 Cơ quan năng lượng quốc tế dự báo “cơn khát dầu” thế giới có thể xảy ra vào năm 2022. Ảnh: Getty Images

Các chuyên gia phân tích chỉ ra rằng, những vấn đề như chính trị, kinh tế và công nghệ đứng sau cuộc khủng hoảng này, đan xen và gây ảnh hưởng lẫn nhau. Trước tiên, cộng đồng quốc tế chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về tâm lý, vật tư, công nghệ và thị trường cho sự thiếu hụt năng lượng toàn cầu lần này. Kể từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều hoạt động kinh tế, sản xuất và kinh doanh bị gián đoạn, che giấu vấn đề thiếu hụt năng lượng toàn cầu.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, việc khai thác năng lượng mới, nghiên cứu, phát triển công nghệ mới và ứng dụng sáng tạo không ngừng xuất hiện, nhưng đến nay năng lượng sạch vẫn không thể gánh vác trách nhiệm lớn về cung ứng năng lượng quốc tế. Ví dụ, Anh đang vận hành mạng lưới điện từ Na Uy, đây là mạng lưới cáp điện dưới nước dài nhất trên thế giới hiện nay. London hy vọng sẽ mang thủy điện sạch từ Na Uy sang Anh. Tuy nhiên, Na Uy đã trải qua một đợt hạn hán hiếm gặp, năng lượng dự trữ của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua. Điều này không những hạn chế xuất khẩu mà các nước Bắc Âu sẽ còn đối mặt với chi phí sử dụng năng lượng cao gấp 5 lần bình thường. Ngoài ra, những lời kêu gọi ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng trở nên mạnh mẽ, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống.

Cuộc khủng hoảng năng lượng diễn ra ngày càng trầm trọng ở nhiều nước trên thế giới. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã phải kiểm soát chặt chẽ việc tiêu thụ năng lượng, thậm chí áp dụng các biện pháp khẩn cấp như cắt điện. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp cơ bản và lâu dài. Tình trạng thiếu hụt năng lượng cũng khiến giá cả hàng hóa không ngừng tăng. Ở nhiều quốc gia, vật giá tăng vọt dẫn đến chi phí sản xuất tăng, vượt ngưỡng mà người dân và doanh nghiệp có thể chịu đựng. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 của Hàn Quốc đã tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng chung của vật giá dự kiến sẽ vượt hơn 2% trong năm nay.

Hiện nay, các nước Liên minh châu Âu như Pháp và Tây Ban Nha kêu gọi cải cách thị trường năng lượng, cho rằng cần điều chỉnh giá điện tiêu dùng. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản của “cơn bão giá” trên thị trường năng lượng quốc tế nằm ở mâu thuẫn giữa cung và cầu. Chuyên gia phân tích Craig Erlam của Sàn giao dịch OANDA nhận định, cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ là mối quan tâm lớn trong những tháng tới. Trong khi đó, những quan ngại về lạm phát và khả năng các nước siết chặt chính sách tiền tệ sẽ là một trong số rất nhiều "cơn gió ngược" mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt. Do vậy, cộng đồng quốc tế cần phải phối hợp cùng đưa ra các biện pháp quyết đoán hơn để giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng toàn cầu này.

PHƯƠNG VŨ/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/the-gioi-truoc-nguy-co-khung-hoang-nang-luong-674394

  • Từ khóa