Quân đội Mỹ có kế hoạch tiếp nhận và đưa vào vận hành tổ hợp vũ khí laser DE M-SHORAD công suất lớn, do tập đoàn Raytheon phát triển, cho lực lượng mặt đất cuối năm 2022.
Hiện nay, theo đặt hàng của Quân đội Mỹ, một số hệ thống tác chiến laser đang được phát triển, sử dụng trong hoạt động phòng không và đánh chặn tên lửa. Một trong những dự án đó là DE M-SHORAD. Nhiều cuộc thử nghiệm thực địa khác nhau đã được thực hiện, và theo dự kiến sang năm tới sẽ trang bị mới cho quân đội.
Quá trình thử nghiệm
Quân đội Mỹ bắt đầu thực hiện Dự án Phòng không Tầm ngắn Di động Năng lượng Định hướng (Direct Energy Maneuver Short-Range Air Defense - DE M-SHORAD) năm 2019. Mục tiêu là tạo ra một hệ thống phòng không tầm ngắn tự hành bằng tia laser 50kW đặt trên khung gầm xe chiến đấu Stryker. Trên cơ sở dự án, thiết kế chính đã được giao cho tập đoàn Raytheon và Northrop Grumman. Theo kế hoạch, các mẫu mới đầu tiên sẽ được đưa vào hoạt động thử nghiệm vào năm 2022.
Trong giai đoạn 2019-2020, hai tập đoàn trên đã phối hợp với các nhà thầu phụ tiến hành thiết kế và chế tạo thiết bị thí nghiệm. Theo đó, các nguyên mẫu đầu tiên đã có mặt tại địa điểm thử nghiệm vào cuối năm 2020. Trong giai đoạn đầu, có 2 nguyên mẫu các nhà phát triển được thử nghiệm riêng biệt và dưới sự giám sát của khách hàng.
Tổ hợp vũ khí laser DE M-SHORAD đặt trên khung gầm xe Stryker. Ảnh: Topwar |
Vài tháng sau đó, các cuộc thử nghiệm khác nhau cũng đã được thực hiện và chỉ kết thúc vào cuối tháng 8-2021. Dựa vào kết quả, quân đội Mỹ có thể đưa ra kết luận cuối cùng và lựa chọn một dự án để phát triển thêm, đồng thời tiến hành sản xuất hàng loạt và đưa vào vận hành.
Ngày 10-8, Quân đội Mỹ đã thông tin về các cuộc thử nghiệm mới nhất của hệ thống laser trên. Các cuộc thử nghiệm này đã được thực hiện tại bãi thử Fort Sill (Oklahoma), với sự giám sát của Lầu Năm Góc. Kết quả, tổ hợp laser DE M-SHORAD đã đạt đến độ hoàn thiện nhất định, cho phép bắt đầu quá trình vận hành.
Để chuẩn bị cho các cuộc thử nghiệm, các chuyên gia phát triển đã tiến hành đào tạo một số quân nhân sử dụng công nghệ mới. Chỉ sau vài ngày huấn luyện, kíp điều khiển đã đạt được trình độ kỹ năng cần thiết. Sau đó, họ triển khai các thiết bị ra trường bắn. Để tạo mục tiêu trên không, đơn vị thử nghiệm sử dụng máy bay không người lái (UAV) và các vũ khí chính xác cao. Ngoài ra, nhiệm vụ chống lại các cuộc pháo kích và súng cối của lực lượng pháo binh đã được thực hiện.
Kết quả thử nghiệm sau đó không được công bố. Tuy nhiên, tổ hợp laser trên đã thể hiện các đặc tính kỹ chiến thuật cao, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Quân đội Mỹ sau đó lên kế hoạch tiếp tục làm việc với các chuyên gia trong ngành chế tạo và quân nhân từ các đơn vị chiến đấu, nhằm tạo ra tổ hợp phòng không quân sự bằng laser hiệu quả nhất.
Đặc tính kỹ thuật và kế hoạch tương lai
Tổ hợp DE M-SHORAD của Raytheon được chế tạo trên khung xe Stryker. Bên trong và bên ngoài thân xe được bọc thép, giúp bảo vệ các nguồn cung cấp năng lượng, kíp lái và hệ thống điều khiển. Trên nóc xe, phần phía trên khoang chở quân đặt một mô-đun tác chiến bằng tia laser và đài radar quang học. Toàn bộ pin tản nhiệt và quạt làm mát được lắp ở phía bên phải của máy.
Tổ hợp DE M-SHORAD có khả năng tấn công mục tiêu cách 20-30 km. Ảnh: Topwar |
Với sự hỗ trợ của hệ thống chỉ định mục tiêu bên ngoài, tổ hợp DE M-SHORAD này có thể tìm thấy mục tiêu trên không, tiến hành hộ tống hoặc tấn công tiêu diệt. Tia laser 50kW của tổ hợp DE M-SHORAD có khả năng đốt cháy nhanh chóng các thành phần cấu trúc bằng nhựa và kim loại của máy bay hoặc bom đạn. Điều này đã được khẳng định nhiều lần trong điều kiện thử nghiệm trước đó.
Trong quá trình phát triển vị trí điều khiển của kíp lái, các vấn đề về công thái học đã được đặc biệt chú ý. Điều này dẫn đến khả năng tự động hóa một số quy trình. Ngoài ra, các bảng điều khiển được xây dựng dựa trên thiết bị cầm tay (gamepads) dễ sử dụng, hỗ trợ hiệu quả cho việc ngắm và bắn.
Các đặc điểm chiến đấu chính xác của tổ hợp DE M-SHORAD vẫn chưa được tiết lộ cụ thể. Song, tổ hợp này thuộc hệ thống phòng không tầm ngắn, có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên đến 20-30km, tùy thuộc vào loại và tính năng thiết kế. Thời gian thực thi nhiệm vụ chiến đấu và số lần “bắn” tia laser tối đa hiện chưa được xác định.
Hiện tại, một số hệ thống phòng không tác chiến laser đang được phát triển cho Quân đội Mỹ. Ngoài tổ hợp DE M-SHORAD, còn có sản phẩm M-SHORAD của Leonardo DRS đang được vận hành thử nghiệm. Tổ hợp này cũng được chế tạo trên khung gầm Stryker, nhưng được trang bị tia laser 5kW, hạn chế phạm vi tấn công và các đặc điểm chiến đấu khác. Do đó, việc phát triển các mô hình vũ khí lớn hơn và mạnh hơn đã được lên kế hoạch.
Theo kế hoạch của Lầu Năm Góc, trong một vài năm tới, tất cả các dự án này sẽ cho phép việc tái trang bị cho lực lượng phòng không của Quân đội Mỹ. Các hệ thống laser mới sẽ có thể đánh chặn hiệu quả nhiều mục tiêu khác nhau, từ máy bay cho đến đạn súng cối, trong phạm vi rộng, với chi phí tối thiểu. Tuy nhiên, việc thực hiện các kế hoạch nêu trên sẽ gặp phải một loạt các khó khăn và vấn đề kỹ thuật.
MINH TUẤN/qdnd.vn