Đại sứ Đặng Đình Quý nhắc lại lập trường nguyên tắc của Việt Nam là ủng hộ giải quyết vấn đề Tây Sahara thông qua đàm phán hòa bình giữa các bên trực tiếp liên quan, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại New York, Mỹ, ngày 29/10/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 30/10, theo giờ Việt Nam, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết gia hạn nhiệm vụ của Phái bộ Liên hợp quốc ở Tây Sahara (MINURSO) thêm 12 tháng đến 31/10/2022 với 13 phiếu thuận và 02 phiếu trắng.
Theo TTXVN, bên cạnh các nội dung liên quan nhiệm vụ của Phái bộ, Nghị quyết số 2602 hoan nghênh việc bổ nhiệm và khẳng định ủng hộ đầy đủ đối với Đặc phái viên Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Tây Sahara và Đại diện Đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Tây Sahara kiêm Trưởng Phái bộ MINURSO.
Nghị quyết cũng thúc giục việc nối lại tiến trình chính trị một cách xây dựng, trên cơ sở tiến triển đạt được của cựu Đặc Phái viên Tổng Thư ký Liên hợp quốc đồng thời ghi nhận quan ngại sâu sắc việc phá vỡ lệnh ngừng bắn.
Phát biểu sau khi bỏ phiếu, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại trước tình hình hiện nay tại Tây Sahara; cho biết mong muốn thấy văn bản nghị quyết cân bằng và phản ánh tốt hơn tình hình trên thực địa.
Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động của Phái bộ MINURSO là quan trọng, giúp ngăn leo thang căng thẳng và thúc đẩy đối thoại giữa các bên liên quan.
Bên cạnh đó, Đại sứ kêu gọi các bên tuân thủ các nghĩa vụ theo luật nhân đạo, luật nhân quyền nhằm bảo đảm các quyền chính đáng của người dân Tây Sahara.
Việt Nam thúc giục tất cả các bên coi việc bổ nhiệm Đặc phái viên và Đại diện Đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc là một xung lực mới hỗ trợ tiến trình chính trị và hợp tác chặt chẽ với 2 đại diện này.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: TTXVN)
Đại diện Việt Nam cũng nhắc lại lập trường nguyên tắc của Việt Nam là ủng hộ giải quyết vấn đề Tây Sahara thông qua các cuộc đàm phán hoà bình giữa các bên trực tiếp liên quan, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan đã có từ lâu của Hội đồng Bảo an.
Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm một giải pháp công bằng, lâu dài và chấp nhận được với các bên, trong đó bảo đảm quyền tự quyết của người dân Tây Sahara, phù hợp với các nguyên tắc và mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc vì hoà bình, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Cùng ngày, Hội đồng Bảo an đã thông qua Nghị quyết số Nghị quyết 2603 về gia hạn nhiệm vụ của Phái bộ Giám sát của Liên hợp quốc ở Colombia với 15 phiếu thuận.
Nghị quyết 2603 gia hạn hoạt động của Phái bộ Giám sát Liên hợp quốc tại Colombia đến ngày 31/10/2022.
Các hoạt động chính của Phái bộ là thúc đẩy quá trình tái hòa nhập chính trị, kinh tế và xã hội của các cựu binh của Lực lượng quân đội cách mạng Colombia (FARC-EP); bảo đảm an ninh cho các cá nhân và tập thể, bao gồm các chương trình toàn diện về các biện pháp bảo vệ các cộng đồng và các tổ chức trong các khu vực bị ảnh hưởng xung đột.
Tây Sahara thuộc khu vực Bắc Phi có diện tích 226.000km2; hiện Maroc đang kiểm soát 80% lãnh thổ trong khi nước Cộng hoà Arab Sahrawi Dân chủ (RASD) do Mặt trận Polisario thành lập kiểm soát 20% lãnh thổ. |
Theo nhandan.vn