Không riêng gì các sản phẩm công nghệ, máy móc, đồ chơi, các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, giấy vệ sinh, quần áo, giày dép... tại Mỹ cũng trong tình trạng đứt gãy nguồn cung ứng.
9 năm trước, Michelle Smith mua lại một quán cà phê nhỏ và bắt đầu kinh doanh. Vượt qua những khó khăn ban đầu, việc kinh doanh ngày càng phát triển, mở rộng thành chuỗi cafe Brewed Downtown và đem lại cho bà nguồn thu ổn định.
Khi đại dịch Covid-19 lan rộng khắp thế giới, như nhiều doanh nghiệp nhỏ khác, chuỗi cafe Brewed Downtown cũng buộc phải đóng cửa. Michelle chuyển sang bán đồ uống đem về.
Dù khó khăn, bà vẫn hy vọng sẽ sớm vượt qua đại dịch. Giờ đây, nhiều quốc gia trên thế giới đã chấp nhận chung sống với Covid-19 và từng bước mở cửa trở lại. Nhà hàng, quán ăn được mở cửa đón khách, trẻ em trở lại trường học, các buổi hòa nhạc, các tour du lịch cũng bắt đầu sôi động trở lại.
Lượng hàng hóa tồn đọng kỷ lục cần được giải tỏa tại cảng Long Beach, bang California. Ảnh: Reuters |
Nhưng với các doanh nghiệp nhỏ như của Michelle Smith, mọi thứ dường như tệ đi. Sau thời gian dài chao đảo vì các đợt phong tỏa, nay họ phải tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu.
Giá nguyên vật liệu và tất cả mặt hàng đã tăng đáng kể. Các nhà cung cấp thực phẩm yêu cầu khách hàng phải tăng số lượng trong đơn đặt hàng tối thiểu. Chi phí vận chuyển tăng, quá trình vận chuyển bị tắc nghẽn làm chậm thời gian giao hàng, khiến nhà cung cấp ngần ngại với những đơn hàng nhỏ.
Trước đây, Smith hiếm khi phải tích trữ nguyên liệu, thực phẩm và có thể dễ dàng đặt hàng từ nhà cung cấp lớn thứ hai của Mỹ. Giờ thì để được chấp nhận đơn hàng, bà phải đặt trước nhiều ngày với số lượng nguyên liệu lớn hơn, rồi đành trữ lại trong kho dùng dần.
Để tránh phải hủy hàng khi không sử dụng kịp, bà liên hệ với một vài chủ nhà hàng khác để kết hợp đơn hàng cho đủ số lượng, bên cạnh việc tìm kiếm nguồn hàng khác.
Song nhà cung cấp nhỏ hơn thì không có đủ các mặt hàng cần thiết, nhà cung cấp lớn thì từ chối các đơn hàng nhỏ. Chi phí kinh doanh gia tăng, các chủ doanh nghiệp nhỏ như Michelle đã bắt đầu đuối sức.
Megan Gluth-Bohan, chủ sở hữu của TRInternational Inc, một công ty phân phối hóa chất có 30 nhân viên, chuyên nhập khẩu các sản phẩm từ Hàn Quốc và Đông Nam Á, cho hay, tắc nghẽn vận chuyển khiến thời gian giao hàng của công ty bị trễ từ 9 đến 12 tuần, trong khi cước vận chuyển lại tăng lên gấp đôi.
Để tránh thua lỗ, họ buộc phải cộng thêm chi phí này vào giá thành sản phẩm và cuối cùng người tiêu dùng sẽ là người phải gánh chịu.
Cửa hàng đồ chơi của Theresa Duncan ở vùng đông bắc Florida cũng chưa bao giờ lâm vào tình cảnh thiếu hàng bán cho dịp Giáng sinh. Thay vì hai tuần chờ đợi, giờ Duncan phải mất 4-5 tháng mới nhận được các đơn hàng đã đặt.
Không riêng gì các sản phẩm công nghệ, máy móc, đồ chơi, các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, giấy vệ sinh, quần áo, giày dép... cũng trong tình trạng đứt gãy nguồn cung ứng.
Các cặp đôi chuẩn bị kết hôn phải tính toán lại ngân sách dành cho đám cưới, khi các chi phí liên quan đều tăng lên. Nhiều cửa hàng bán đồ cưới tìm cách xoay xở bằng việc cho thuê lại các trang phục cưới đã qua sử dụng, khi những bộ váy cưới họ đặt hàng từ lâu vẫn chưa được giao tới.
Đại dịch khiến các nhà máy đóng cửa và sản xuất trên khắp thế giới bị chậm lại. Việc đóng cửa cảng, thiếu container vận chuyển và thiếu tài xế xe tải, hàng hóa tắc nghẽn tại các kho, bãi... dẫn đến thời gian vận chuyển kéo dài và việc giao hàng không thể đoán trước đối với nhiều loại sản phẩm, vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn khi lễ Giáng sinh đang đến gần.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu, những doanh nghiệp quy mô lớn có nhiều ảnh hưởng cũng chiếm ưu thế trong việc tác động để hàng hóa của họ được quan tâm và vận chuyển sớm nhất.
Những hãng bán lẻ có tên tuổi, như: Home Depot, Costco, Walmart chủ động bỏ tiền ra thuê tàu riêng để vận chuyển các container của họ qua Thái Bình Dương, thay vì chờ đợi được giải cứu như các doanh nghiệp nhỏ.
Trong một nỗ lực nhằm cứu vãn tình trạng tắc nghẽn vận tải, ngày 13-10, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, hai cảng biển có công suất vận hành lớn nhất của Mỹ là Long Beach và Los Angeles sẽ hoạt động 24/24 giờ trong 90 ngày để giải tỏa lượng hàng hóa tồn đọng kỷ lục được vận chuyển từ Trung Quốc và châu Á.
Chính quyền Mỹ hy vọng động thái này có thể giúp khơi thông nguồn cung ứng cho các doanh nghiệp Mỹ, làm dịu cơn khát hàng hóa phục vụ Giáng sinh và dịp lễ cuối năm của người dân Mỹ.
Theo bà Suzanne Clark, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, cùng với tình trạng thiếu hụt lao động, tắc nghẽn vận chuyển và khủng hoảng chuỗi cung ứng là mối đe dọa lớn đối với sự phục hồi kinh tế Mỹ, cũng như làm tổn thương khả năng cạnh tranh lâu dài của các doanh nghiệp nhỏ ở nước này.
PHƯƠNG THẢO/qdnd.vn