Theo trang thống kê worldometers.info, trong tuần qua, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu tăng nhẹ 1% so với 7 ngày trước đó, với 2.965.608 ca bệnh được ghi nhận.
Người dân xếp hàng chờ tiêm ngừa Covid-19 bên ngoài trung tâm triển lãm Stockholmsmassan, Stockholm, Thụy Điển, ngày 8/4/2021. (Ảnh: TT News/Reuters)
Trong đó, Mỹ là nước có nhiều ca mắc nhất trong tuần, với 458.182 ca nhiễm, tiếp đó là Anh với 283.742 ca và Nga với 266.814 ca.
Số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu tuần qua cũng có xu hướng tăng, với 49.210 người không qua khỏi, tăng 4% so với 7 ngày trước đó.
Mỹ cũng dẫn đầu về số ca tử vong trong tuần với 7.970 ca, theo sau là Nga với 7.852 ca, Ấn Độ 3.918 ca, Ukraine 3.907 và Romania 3.002 ca.
Đồ họa: TRUNG HƯNG
Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến rất đáng lo ngại ở châu Âu, khi châu lục này tiếp tục xu hướng tăng cả số ca mắc và ca tử vong trong 7 ngày qua.
Theo đó, châu Âu ghi nhận 1.551.615 ca mắc Covid-19 tuần qua, tăng 12% so với tuần trước, trong khi số ca tử vong là 21.696 ca, tăng 15%. Các con số này cũng nhiều gấp đôi so với vị trí thứ hai của châu Á, với 699.109 ca mắc và hơn 12 nghìn ca tử vong trong 7 ngày qua.
Nga vẫn dẫn đầu châu Âu về cả số ca mắc mới và tử vong, lần lượt ghi nhận 266.814 ca mắc (tăng 8%) và 1.827 ca tử vong (tăng 9%) trong tuần. Riêng ngày 31/10, nước này lại tiếp tục lập cột mốc buồn với việc ghi nhận 40.993 ca nhiễm mới, mức trong ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Trong ngày, Nga cũng ghi nhận thêm 1.158 ca tử vong liên quan Covid-19.
Hầu hết các nước châu Âu đều ghi nhận số ca mắc và tử vong gia tăng trong tuần, trong đó Hungary ghi nhận mức tăng tới 83% về số ca nhiễm với 19.594 ca bệnh được báo cáo, trong khi Đức và Cộng hòa Séc cùng ghi nhận mức tăng 65% số ca mắc mới, lần lượt có thêm 129.379 và 31.087 ca nhiễm.
Tính đến 8 giờ sáng 1/11 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 247.446.503 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 5.014.748 ca không qua khỏi. Số ca đang phải điều trị hiện là hơn 18,3 triệu ca, trong đó có hơn 72.700 ca trong tình trạng nguy kịch.
Đồ họa: TRUNG HƯNG
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với hơn 46,8 triệu ca nhiễm và 766.299 ca tử vong. Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki thông báo bà đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 ngày 31/10. Trước đó, bà Psaki đã quyết định không tham gia chuyến công du châu Âu cùng Tổng thống Joe Biden do nhiều thành viên trong gia đình bà mắc Covid-19.
Theo bà Psaki, bà không tiếp xúc gần với Tổng thống Biden hoặc các thành viên cấp cao Nhà Trắng từ ngày 27/10. Lần gần nhất bà gặp Tổng thống Mỹ là vào ngày 26/10, đứng cách xa và đeo khẩu trang. Bà Psaki cho biết bà chỉ có triệu chứng nhẹ, nhờ đã tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 và sẽ làm việc tại nhà, cách ly 10 ngày trước khi xét nghiệm để trở lại công việc.
Đồ họa: TRUNG HƯNG
Trong khi đó, áp dụng chiến lược sống chung an toàn với dịch bệnh, ngày 1/11, Australia bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế biên giới được áp đặt trong 18 tháng qua, với việc cho phép khoảng 14 triệu người dân nước này đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa Covid-19 tại các bang Victoria, New South Wales và thủ đô Canberra được đi lại tự do, bao gồm ra nước ngoài và về nước.
Khoảng 47 nghìn công dân Australia và người có thẻ đăng ký thường trú tại nước này nhưng đang ở nước ngoài cũng được phép nhập cảnh trở lại. Các du khách từ quốc gia láng giềng New Zealand đã tiêm đủ vaccine cũng được phép vào Australia từ ngày 1/11. Trong khi đó, hầu hết du khách quốc tế kể cả những người đã tiêm đủ vaccine vẫn sẽ tiếp tục phải chờ quy định tiếp theo.
Một cặp vợ chồng đoàn tụ tại sân bay Sydney sau khi Australia nới lỏng các hạn chế biên giới, với việc người dân nước này đã được tiêm phòng đầy đủ được phép trở về Sydney từ nước ngoài mà không phải cách ly, Sydney, Australia, ngày 1/11/2021. (Ảnh: Reuters)
Ai Cập thông báo đã chi 400 triệu USD để mua vaccine ngừa Covid-19 từ nhiều nguồn khác nhau và đến nay đã tiêm hơn 35 triệu liều cho 25 triệu người dân. Nước này đặt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho ít nhất 40 triệu dân vào cuối năm nay.
Ai Cập hiện đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm thứ tư, với số ca nhiễm mới hằng ngày hiện cao gấp 10 lần so với thời điểm cuối tháng 7/2021. Tổng số ca nhiễm tại Ai Cập tính đến nay là 330.084 ca, trong đó có 18.592 ca tử vong.
TRUNG HƯNG/nhandan.vn