Đây là một trong những biện pháp nhằm hỗ trợ người dân có thu nhập thấp ở đất nước hình lục lăng bị ảnh hưởng bởi lạm phát leo thang do giá nhiên liệu tăng cao.
Mới đây, Thủ tướng Pháp Jean Castex đã ban hành chính sách trợ cấp lạm phát, theo đó hỗ trợ 100 euro cho những người có thu nhập ròng dưới 2.000 euro/tháng.
Ông Castex bổ sung rằng, ngưỡng 2.000 euro sẽ được tính cho mỗi người, không phải trên mỗi hộ gia đình. Chương trình này dự kiến tiêu tốn của ngân khố Pháp 3,8 tỷ euro.
Theo chính sách trên, 38 triệu người Pháp, gồm nhân viên, công chức, lao động tự do, người về hưu, người thất nghiệp, người đang tìm việc... sẽ được hưởng trợ cấp lạm phát một lần trị giá 100 euro/người dù họ có ô tô hay không. Tiền trợ cấp sẽ được phân phát theo các mốc thời gian cho từng đối tượng.
Cụ thể, khoản 100 euro sẽ được thanh toán tự động và sẽ được cộng vào lương tháng 12-2021 của 11,1 triệu lao động khu vực tư nhân, 1,7 triệu lao động tự do và gửi tới tài khoản của 6 triệu người thất nghiệp. Trong khi đó, 2,3 triệu công chức sẽ được nhận trợ cấp muộn hơn, vào cuối tháng 1-2022.
Đợt phát trợ cấp cuối cùng diễn ra vào tháng 2-2022 dành cho 13 triệu người nghỉ hưu đủ điều kiện nhận trợ cấp cũng như một số đối tượng đặc biệt khác...
Giá xăng dầu được niêm yết tại một trạm xăng ở thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: REUTERS |
Giải thích vì sao lựa chọn biện pháp trợ cấp lạm phát thay tặng séc nhiên liệu, Thủ tướng Castex cho rằng, quy trình thu thập dữ liệu thuế và thông tin về phương tiện sử dụng của người dân khá phức tạp, mất nhiều thời gian và công sức.
Do vậy, trợ cấp lạm phát được xem là biện pháp công bằng và có mục tiêu nhằm hạn chế những tác động tiêu cực do việc tăng giá gây ra.
“Chúng tôi tin rằng sự tăng giá này chỉ là tạm thời nhưng chúng tôi không thể để nó cản trở kinh tế phục hồi”, Thủ tướng Castex chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình TF1.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra sự gián đoạn toàn cầu trong việc lưu thông hàng hóa, dịch vụ và tiền tệ. Theo lesechos.fr, trong hai năm qua, nhu cầu tiêu dùng của người dân Pháp giảm mạnh, quá trình sản xuất hàng hóa bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp bị phá sản.
Ngay từ đầu năm 2021, Chính phủ Pháp bày tỏ quyết tâm vượt qua cuộc khủng hoảng y tế bằng cách phục hồi kinh tế, đưa sức mua của người tiêu dùng trở lại bình thường. Tuy nhiên, “do cung vượt cầu nên lạm phát tăng”, ông Paola Monperrus-Veroni, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Crédit Agricole, nhận định.
Bên cạnh đó, giá nhiên liệu tăng vọt thời gian gần đây đã đẩy giá hàng hóa các loại tăng theo. Số liệu của Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE) cho biết, trong tháng 8-2021, giá nhiên liệu thế giới tăng 12,7% kéo theo giá các mặt hàng tiêu dùng như lương thực, thực phẩm và các loại dịch vụ ở Pháp tăng theo. Giá cả tăng tác động không nhỏ tới các gia đình có thu nhập thấp.
“Trong hơn một năm qua, chi phí xăng dầu của gia đình tôi đã tăng 10% so với những năm trước đây”, nữ y tá Laëtitia Isambart ở Chateaurenard, tỉnh Bouches-du-Rhône, vùng Provence-Alpes-Côte d'Azur ở miền Nam nước Pháp cho biết.
Theo AFP, chính sách trợ cấp lạm phát của Chính phủ Pháp đã tháo gỡ một phần khó khăn cho người có thu nhập thấp.
Nhiều người mong muốn chính phủ mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp lạm phát bởi đa số người sử dụng ô tô làm phương tiện di chuyển có mức lương ở ngưỡng 2.000 euro/tháng hoặc nhỉnh hơn một chút.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, trong tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, giá nhiên liệu còn nhiều biến động, điều quan trọng là Chính phủ Pháp tiếp tục nghiên cứu, dự đoán và có các giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn trong tương lai.
PHƯƠNG VŨ/qdnd.vn