Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13: Tái khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế

Thứ 6, 19.11.2021 | 08:58:42
451 lượt xem

Sáng 18-11, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao khai mạc Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 với chủ đề “Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn”.

Hội thảo có sự tham dự trực tiếp của hơn 180 đại biểu cùng hơn 400 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến. 

Chủ trương của Việt Nam về vấn đề Biển Đông luôn rõ ràng và nhất quán

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu đánh giá: Biển Đông nằm ở trung tâm của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, là “hàn thử biểu” rõ rệt đối với hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực rộng lớn này. Những diễn biến và phát triển ở Biển Đông, dù tốt hay không tốt, sẽ dễ dàng trở thành tiền lệ được nhân lên trong toàn bộ khu vực và ở các khu vực khác trên thế giới.

Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13: Tái khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu tại hội thảo.  

“Tương lai trật tự thế giới có vận hành dựa trên luật lệ hay không, có bảo đảm quyền bình đẳng giữa các quốc gia không, có dựa trên các khuôn khổ hợp tác đa phương, minh bạch và bao trùm hay không, sẽ được quyết định một phần bởi cách ứng xử của chúng ta ở Biển Đông và ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung”, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, tình hình Biển Đông trong một năm qua cũng làm dấy lên nhiều mối lo ngại mới. Cạnh tranh nước lớn và các cơ chế hợp tác mới xuất hiện trong khu vực đặt ra các vấn đề mới đối với cấu trúc khu vực đang định hình, nhất là vai trò trung tâm của ASEAN. Trong khi Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 được coi là chuẩn mực ứng xử chung, vẫn còn nhiều bộ luật hoặc các hoạt động quốc gia không nhất quán hoặc trái với UNCLOS 1982. Quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển vẫn chưa được tôn trọng đầy đủ. Điều này rõ ràng không có lợi cho lòng tin và cho các tiến trình hợp tác trong khu vực.

Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đã khẳng định chủ trương của Việt Nam về vấn đề Biển Đông luôn rõ ràng và nhất quán, luôn kiên trì bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình và cùng các bên giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982; luôn hoan nghênh nỗ lực của các nước trong và ngoài khu vực đóng góp cho hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Giải quyết vấn đề Biển Đông phải bằng luật pháp quốc tế

Năm 2021 đánh dấu việc Biển Đông tiếp tục được quan tâm tại nhiều quốc gia, nhiều diễn đàn quốc tế với nhận thức chung là nhấn mạnh tôn trọng vai trò của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Trong bài diễn văn khai mạc, Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, nhấn mạnh, các quốc gia đang ngày càng đề cao vai trò và giá trị trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động trên biển và đại dương phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế và các quốc gia có biển.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận tình hình trên Biển Đông ở nhiều khía cạnh, từ lịch sử, chính trị, ngoại giao đến luật pháp; đồng thời nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết về xây dựng, củng cố và tận dụng các cơ chế an ninh khu vực trong việc quản lý tranh chấp và giải quyết hòa bình các vấn đề phức tạp ở Biển Đông.

Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13: Tái khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế
Quang cảnh hội thảo tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: TRUNG ĐỖ 

Ông Pawel Herczynski, Tổng vụ trưởng về Chính sách an ninh và Phòng thủ chung và Ứng phó khủng hoảng thuộc Cơ quan Hành động đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) đã khẳng định nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế nói chung bằng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế. “Thời gian qua, EU luôn ủng hộ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, cũng như bằng các cơ chế được quốc tế xây dựng,” ông Herczynski dẫn chứng.

Với vai trò là người điều phối trong phiên thảo luận “Hãy công bằng với sự thật: Lịch sử và Biển Đông”, Tiến sĩ Erik Solheim, cựu Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) cho rằng, việc sử dụng tòa án quốc tế, luật pháp quốc tế để giải quyết vấn đề Biển Đông là rất quan trọng. “Các bên liên quan phải nỗ lực làm thế nào để duy trì hòa bình, hợp tác vì sự thịnh vượng của khu vực trong tương lai”, ông Solheim nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Vũ Hải Đăng, nghiên cứu viên cao cấp tại Đại học Quốc gia Singapore; Tiến sĩ Bill Hayton, chuyên gia cấp cao thuộc Chương trình châu Á-Thái Bình Dương tại Viện Chatham House (Anh); và Giáo sư Monique Chemillier-Gendreau, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ Pháp, cũng cho biết thêm, trong tiến trình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, một trong những yếu tố quan trọng nhất là cần phải đánh giá bằng chứng mà các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đưa ra.

Bên cạnh đó, hội thảo khẳng định việc cần xây dựng cấu trúc an ninh đa phương ở khu vực, xử lý hiệu quả thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống với vai trò trụ cột, dẫn dắt của ASEAN. Cựu Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho rằng, trong nhiều năm liên tục, ASEAN rất nỗ lực xây dựng các quy trình, đưa ra những quy chuẩn, quy định để bảo đảm hòa bình và an ninh ở Bỉển Đông. Ông Natalegawa cũng bày tỏ hy vọng ASEAN có thể tiếp tục duy trì vị trí trung tâm trong các vấn đề khu vực và có tiếng nói thống nhất trong giải quyết vấn đề Biển Đông.

BOX: Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 diễn ra trong hai ngày 18 và 19-11 với 8 phiên về các chủ đề đa dạng như: Biển Đông trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi; Củng cố trật tự pháp lý ở Biển Đông 5 năm qua; Hãy công bằng với sự thật: Lịch sử và Biển Đông; Thúc đẩy ngoại giao khoa học vì lợi ích chung của đại dương... Bên cạnh đó, 3 phiên lãnh đạo trẻ được mở ra là diễn đàn cho thế hệ trẻ chia sẻ quan điểm, góp thêm tiếng nói về vấn đề Biển Đông. Dự kiến sẽ có những phiên bình luận sau hội thảo với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu của Việt Nam.

VĂN HIẾU/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/hoi-thao-quoc-te-ve-bien-dong-lan-thu-13-tai-khang-dinh-tam-quan-trong-cua-luat-phap-quoc-te-677894

  • Từ khóa