Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói rằng lực lượng quân sự Belarus “hoàn toàn có thể” giúp người di cư vào Liên minh châu Âu (EU) nhưng bác bỏ việc mời họ đến nước này.
Các chính phủ châu Âu đã cáo buộc Belarus gây ra cuộc khủng hoảng bằng cách cho người từ nước ngoài vào và đưa họ đến biên giới với cam kết giúp họ dễ dàng vượt biên vào khối này. Phía Belarus đã bác bỏ cáo buộc và chỉ trích EU đóng cửa biên giới của mình.
Khi được hỏi liệu Belarus có đang giúp đỡ những người tị nạn và di cư cố vào Ba Lan hay không, ông Lukashenko nói: "Tôi nghĩ điều đó hoàn toàn có thể xảy ra".
Ông nói với đài BBC: "Chúng tôi là người Slav. Chúng tôi có trái tim. Quân đội của chúng tôi biết những người di cư sẽ đến Đức… Có lẽ ai đó đã giúp họ. Nhưng tôi không mời họ đến đây".
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói rằng lực lượng quân sự Belarus “hoàn toàn có thể” giúp người di cư vào Liên minh châu Âu. Ảnh: Reuters
Lực lượng biên phòng Ba Lan hôm 19-11 cho biết hai nhóm người di cư và tị nạn đã cố vượt biên từ Belarus. Khoảng 500 người được cho là nhận được sự hỗ trợ từ phía Belarus, một số người trong nhóm này đã ném đá và xịt hơi cay. Lực lượng biên giới Ba Lan cho biết họ đã bắt giữ 45 người.
Các nhóm nhân quyền cho rằng Ba Lan đã khiến nhiều người di cư tuyệt vọng khi hồi hương những người cố vượt biên. Phía Ba Lan lập luận điều này là cần thiết để ngăn chặn thêm nhiều người đến đây.
Người di cư tập trung ở biên giới Belarus giáp với Ba Lan. Ảnh: Reuters
Ba Lan và các đồng minh cáo buộc Belarus cố tình lôi kéo hàng ngàn người di cư và tị nạn, nhiều người trong số họ đến từ Trung Đông và đưa họ đến biên giới Ba Lan nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại chính phủ của ông Lukashenko sau cuộc tái đắc cử gây tranh cãi hồi năm ngoái.
Đáp lại, Minsk phủ nhận cáo buộc và cho rằng lực lượng an ninh Ba Lan phạm tội ác chống lại loài người trong khi đẩy lùi những người cố vào EU. Ông Lukashenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm hôm 19-11 và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa Minsk và EU để giải quyết vấn đề.
Trong khi đó, Ukraine, quốc gia giáp biên giới với Belarus và Ba Lan, cho biết họ đang chuẩn bị "một cách có hệ thống và kỹ lưỡng" trong trường hợp cuộc khủng hoảng chuyển sang lãnh thổ của họ.
Ông Vladimir Sotnikov, nhà khoa học chính trị từ Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nói với kênh Al Jazeera rằng giải pháp tiềm năng cho tình huống này là EU phải thỏa hiệp.
Chuyên gia này nói: "Có lẽ giải pháp là EU chấp nhận ông Lukashenko làm tổng thống hợp pháp và sau đó ông Lukashenko có thể bắt đầu đàm phán với EU để xoa dịu cuộc khủng hoảng và đạt được một thỏa thuận".
Xuân Mai/nld.com.vn