Từ ngày 22-11 đến 4-12, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiến hành cuộc tập trận thường niên mang tên Winter Shield 2021 (Lá chắn mùa Đông 2021) trên lãnh thổ Latvia. Nga đã cáo buộc cuộc tập trận trên của NATO nhằm gây căng thẳng ở khu vực biên giới của nước này.
Thông cáo báo chí từ Bộ Quốc phòng Latvia cho biết, cuộc tập trận “Lá chắn mùa Đông 2021” có sự tham gia của các binh sĩ thuộc lữ đoàn bộ binh cơ giới trực thuộc lực lượng bộ binh Zemessardze của Latvia, lực lượng vũ trang Litva, Nhóm tác chiến tiền phương của NATO ở Latvia và lực lượng Mỹ ở châu Âu. Cuộc tập trận diễn ra tại bãi tập Adazi gần Riga để huấn luyện các đơn vị và làm chủ năng lực phòng thủ, cũng như phát triển sự hợp tác và gắn kết để bảo vệ khu vực Baltic. “Trong thời gian hai tuần, từ ngày 22-11 đến 4-12, từ 9 giờ đến 23 giờ hằng ngày sẽ diễn ra các vụ bắn đạn thật từ pháo, súng cối, súng phóng lựu, súng máy và vũ khí cỡ nhỏ, cũng như chuyến bay của hàng không quân sự. Các thiết bị của lực lượng vũ trang Latvia và đồng minh sẽ di chuyển dọc theo các con đường của Latvia, trong khi máy bay quân sự sẽ bay trên không”, thông cáo báo chí cho biết.
Binh sĩ NATO tham gia cuộc tập trận “Lá chắn mùa Đông 2020” tại Latvia. Ảnh: thedeaddistrict.blogspot.com |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Liên bang Nga Maria Zakharova đã chỉ trích cuộc tập trận chung giữa NATO và các nước Baltic. Trong tuyên bố đăng trên Telegram ngày 21-11, bà Zakharova nhấn mạnh NATO đã không có động thái gì trước những cảnh báo của Moscow và “tiếp tục gây căng thẳng” dọc biên giới của Nga. Theo bà Zakharova, NATO thường xuyên cáo buộc Nga về “các hành động không minh bạch” và “các hành vi gây hấn”, tuy nhiên các cuộc tập trận của NATO tiếp tục làm leo thang căng thẳng tại các biên giới của Nga. Điển hình là cuộc tập trận gần đây của lực lượng Mỹ, thành viên chủ chốt của NATO, ở Estonia.
Đây không phải là lần đầu tiên Nga và NATO “chạm trán” bởi các cuộc tập trận. Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, Mỹ đã phát động cuộc tập trận “Chiến dịch Giải pháp Đại Tây Dương” (Operation Atlantic Resolve), lần lượt cử binh sĩ đến Latvia. Các binh sĩ Latvia và Mỹ cũng thường xuyên tham gia các cuộc tập trận và hoạt động chung nhằm thúc đẩy hợp tác và khả năng tương tác, bao gồm cả huấn luyện các nhiệm vụ tác chiến đặc biệt. Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2016 ở Warsaw (Ba Lan), NATO đã quyết định triển khai các trung đoàn quốc tế ở Latvia, Litva, Estonia và Ba Lan theo đề nghị của các nước này, trong đó nhóm tác chiến quốc tế ở Latvia có hơn 1.500 binh sĩ của Albania, Cộng hòa Séc, Italy, Iceland, Canada, Montenegro, Ba Lan, Slovakia, Slovenia và Tây Ban Nha. NATO nhấn mạnh, việc thành lập và triển khai các nhóm tác chiến trên nhằm tăng cường sự hiện diện của liên minh quân sự này tại các nước Baltic, đồng thời bảo vệ các quốc gia đồng minh trước mối đe dọa từ bên ngoài. Thậm chí, tại Hội nghị “NATO Talk 2021” do Viện Chính sách an ninh Liên bang Đức (BAKS) tổ chức tại Berlin ngày 19-11 vừa qua, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg còn nêu rõ Nga, với tiềm lực quân sự khổng lồ, luôn là “đối thủ đáng kể nhất” của phương Tây, mà liên minh quân sự NATO là đại diện.
Trên thực tế, quan hệ giữa NATO và Nga đang trong giai đoạn cực kỳ căng thẳng. Nga từ ngày 1-11 đã đình chỉ hoạt động của phái bộ ngoại giao nước này tại NATO để đáp trả việc NATO trục xuất 8 nhà ngoại giao Nga. Trước đó, NATO đã giảm một nửa số nhân viên ngoại giao trong Phái đoàn thường trực Nga tại tổ chức này (từ 20 người xuống 10 người). Phía Nga cáo buộc NATO phá hủy các cơ chế đối thoại giữa hai bên. Hai bên cũng liên tục chỉ trích lẫn nhau về các hoạt động quân sự ở khu vực Biển Đen. Do đó, việc NATO tổ chức cuộc tập trận “Lá chắn mùa Đông 2021” tại Latvia như “đổ thêm dầu vào lửa” khiến quan hệ Nga và liên minh quân sự càng trở nên căng thẳng.
PHƯƠNG VŨ/qdnd.vn