Ngày 24/11, Chính phủ New Zealand cho biết, nước này sẽ mở cửa biên giới trở lại cho du khách nước ngoài kể từ ngày 30/4 năm sau, đi kèm với nới lỏng một cách thận trọng các biện pháp hạn chế biên giới đã được áp dụng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại đây vào tháng 3/2020.
Người dân thành phố Auckland, New Zealand đeo khẩu trang chờ xe buýt. (Ảnh: Reuters)
Trước sự lây lan nhanh chóng trong đợt bùng phát mới nhất do biến thể Delta dễ lây lan gây nên, New Zealand đã buộc phải thay đổi chiến lược chống dịch, từ triệt để hạn chế số ca nhiễm xuống thấp nhất sang mô hình sống chung an toàn với dịch bệnh, với việc tập trung điều trị các ca bệnh và tăng cường tiêm phòng Covid-19.
Trong lộ trình dần mở cửa trở lại, Bộ trưởng Ứng phó với Covid-19 Chris Hipkins ngày 24/11 thông báo, khách quốc tế đã tiêm phòng Covid-19 đầy đủ sẽ được phép nhập cảnh vào New Zealand từ ngày 30/4/2022 trở đi.
Đồng thời, công dân New Zealand được tiêm phòng đầy đủ và những người có thị thực cư trú từ nước láng giềng Australia cũng có thể đến New Zealand từ ngày 16/1, trong khi những đối tượng trên từ các quốc gia khác chỉ được phép nhập cảnh kể từ ngày 13/2.
Theo ông Hipkins, lộ trình mở cửa theo từng giai đoạn để kết nối trở lại với thế giới là cách tiếp cận an toàn nhất để bảo đảm mọi rủi ro được kiểm soát thận trọng, đồng thời giúp làm giảm các tác động tiêu cực tiềm tàng đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương và hệ thống y tế New Zealand.
Ông Hipkins cũng cho biết thêm, du khách quốc tế sẽ không phải cách ly y tế tập trung khi nhập cảnh, nhưng cần có xét nghiệm âm tính trước khi khởi hành, cũng như cung cấp chứng nhận về việc đã được tiêm phòng đầy đủ và xét nghiệm Covid-19 khi đến New Zealand.
Trước đó, Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern thông báo, nước này dự kiến sẽ chuyển đổi mô hình chống dịch sang sống chung an toàn với virus kể từ ngày 3/12. Theo đó, sẽ dừng áp dụng các biện pháp hạn chế cứng rắn, đồng thời áp dụng 1 hệ thống phân vùng an toàn “đèn giao thông” dựa trên màu sắc, cùng với “thẻ thông hành” chứng nhận đã tiêm vaccine.
Trong khi đó, các nước châu Âu đang dần xiết chặt trở lại các biện pháp phòng dịch trong bối cảnh châu lục này đang trở thành tâm dịch mới của thế giới, với số ca nhiễm mới và tử vong tăng mạnh hằng ngày.
Đồ họa: TRUNG HƯNG
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 8 giờ 30 phút sáng 24/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 258.984.602 ca mắc Covid-19, trong đó có 5.182.157 ca tử vong. Tổng số ca đã khỏi bệnh là 234.284.881 ca và số bệnh nhân đang được điều trị là 19.517.564 ca, trong đó có 81.583 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, có thêm 539.974 ca mắc mới được ghi nhận trên toàn cầu, trong đó riêng châu Âu đã có tới 336.718 ca, chiếm tới hơn 62%. Châu lục này cũng ghi nhận thêm 4.349 ca tử vong trong ngày, so tổng 7.331 người không qua khỏi trên toàn cầu 24 giờ qua.
Đồ họa: TRUNG HƯNG
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh ở châu Âu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 23/11 cảnh báo, rất có thể châu lục này sẽ có thêm tới 700 nghìn ca tử vong mới vì Covid-19 vào mùa xuân tới.
Hiện tổng số ca tử vong do bệnh dịch này ở 53 quốc gia thành viên WHO thuộc khu vực châu Âu đã vượt qua con số 1,5 triệu, với tỷ lệ tử vong hàng ngày tăng gấp đôi từ cuối tháng 9 lên 4.200 ca/ngày.
Với xu hướng hiện tại, WHO đưa ra dự báo tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại châu Âu có thể tăng lên 2,2 triệu ca vào mùa xuân tới, khiến Covid-19 hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại khu vực.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng Covid-19 tại 1 nhà ga ở Praha, Cộng hòa Séc, ngày 22/11/2021. (Ảnh: Reuters)
WHO cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đó là một số lượng lớn người chưa được tiêm chủng, cũng như biến thể Delta siêu lây nhiễm và việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch tại nhiều nước.
Trước tình hình này, chuyên gia WHO kêu gọi người dân châu Âu nên đi tiêm chủng, tuân thủ các biện pháp kiểm dịch, giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Ngoài ra, WHO cũng cảnh báo các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) ở 49 trong số 53 quốc gia thuộc WHO khu vực châu Âu rất có thể sẽ đối mặt với áp lực lớn về giường bệnh kể từ đầu tháng 3 năm sau. Trong đó, Pháp, Tây Ban Nha và Hungary nằm trong số các quốc gia dự kiến sẽ lâm vào tình trạng quá tải các giường ICU vào đầu năm 2022.
Trước tình trạng lây nhiễm tăng lên mức kỷ lục, gây áp lực lớn lên các bệnh viện, Hà Lan đã bắt đầu vận chuyển bệnh nhân Covid-19 qua biên giới đến Đức để điều trị, nhằm giảm tải cho các bệnh viện trong nước.
Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 trong phòng ICU tại Bệnh viện Maastricht UMC+ ở Maastricht, Hà Lan. (Ảnh: Reuters)
Áo bắt đầu đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ tư từ đầu tuần, trong khi tại Đức, Bộ trưởng Y tế nước này cho biết, rất có thể Đức cũng sẽ áp dụng nhiều biện pháp hạn chế mạnh tay hơn nữa để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ tư.
Ở Tây Ban Nha, vùng Catalonia đã lên kế hoạch bắt buộc xuất trình chứng nhận tiêm phòng Covid-19 hoặc xét nghiệm âm tính để vào quán bar, nhà hàng và sân vận động, trong khi các vùng khác cũng đang xúc tiến các biện pháp hạn chế tương tự trong bối cảnh tỷ lệ lây nhiễm gia tăng tại nước này.
Tại Cộng hòa Séc, chỉ những người đã được tiêm chủng hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong 6 tháng qua mới được phép vào các nhà hàng, khách sạn, rạp chiếu phim và phòng tập thể dục hoặc sử dụng các dịch vụ khác. Thủ tướng Andrej Babis ngày 23/11 cho biết, nước này có thể sẽ yêu cầu bắt buộc tiêm vaccine ngừa Covid-19 đối với người trên 60 tuổi và lao động trong một số ngành nghề, bao gồm nhân viên y tế và chăm sóc xã hội.
Đồ họa: TRUNG HƯNG
TRUNG HƯNG/nhandan.vn