Thế giới không nên lơ là với Covid-19 dù có vắc xin

Thứ 6, 26.11.2021 | 08:42:24
268 lượt xem

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây cảnh báo, mặc dù các loại vaccine có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, song người dân trên thế giới không nên quá phụ thuộc vào vắc xin mà tỏ ra chủ quan, lơ là các biện pháp tự bảo vệ mình cũng như cộng đồng.

Theo Reuters, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 24-11, ông Ghebreyesus cho biết, trong tuần trước, số ca nhiễm mới và tử vong vì Covid-19 ở châu Âu tiếp tục chiếm hơn 60% số ca trên toàn cầu. Thực tế này tiếp tục gây áp lực lên các hệ thống y tế ở châu Âu và đẩy nhân viên y tế vào tình trạng kiệt sức.

“Tại nhiều quốc gia và cộng đồng, chúng ta đang lo ngại về cái gọi là “cảm giác an toàn giả”, khi người dân lầm tưởng rằng đại dịch đã chấm dứt sau khi có vắc xin và những người đã tiêm phòng nghĩ rằng không cần đề phòng nữa”, ông Ghebreyesus nêu rõ tại buổi họp báo.

Thế giới không nên lơ là với Covid-19 dù có vắc xin
 Người dân ở bang Ontario (Canada) tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Ảnh: Reuters.


Bởi vậy, Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh, cùng với đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tiếp tục là những biện pháp quan trọng nhằm ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 lây lan. Đặc biệt, ngay cả những người đã được tiêm vắc xin cũng phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Ông Ghebreyesus cũng lưu ý: Vắc xin có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong, nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm. Bằng chứng là trước khi biến thể Delta xuất hiện, trung bình các loại vắc xin giúp giảm khoảng 60% nguy cơ lây nhiễm, nhưng nay thì tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 40%.

Trong một tuyên bố khác, WHO cảnh báo, nhiều nơi trên thế giới đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt vắc xin nghiêm trọng. Do đó, các nước có độ bao phủ vắc xin cao cần ưu tiên chia sẻ vắc xin cho Cơ chế COVAX để giúp các nước nghèo hơn có được nguồn vắc xin khẩn cấp.

Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) mới đây cũng cảnh báo, dù số ca nhiễm mới tại châu Mỹ đã giảm mạnh trong vài tháng trở lại đây, nhưng nếu các nước chủ quan, dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại. PAHO nhận định, khu vực Bắc Mỹ có thể đối mặt với sự tái bùng phát của dịch Covid-19 giống như châu Âu. Chính vì vậy, Giám đốc PAHO Carissa Etienne hối thúc người dân khu vực này tuân thủ nghiêm việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.

Những cảnh báo nói trên được đưa ra trong bối cảnh các nhà khoa học Anh vừa thông báo về sự xuất hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Biến thể mới với tên gọi B.1.1.529 được phát hiện tại Botswana, được cho là có số lượng đột biến rất cao và nguy cơ gây ra các đợt bùng phát dịch trong tương lai bằng cách né tránh hệ miễn dịch của cơ thể con người. Theo truyền thông Anh, đến nay đã có 10 ca nhiễm biến thể mới này tại 3 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một chuyên gia về di truyền tại Anh nhận định, hiện rất khó để dự đoán cách thức lây lan của biến thể B.1.1.529 và cần phải theo dõi, phân tích chặt chẽ biến thể này.

Tuy nhiên, bên cạnh những lo ngại kể trên, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trên toàn cầu cũng chứng kiến những dấu hiệu đáng mừng mới. Điển hình là Nga vừa thông báo những tiến bộ trong việc bào chế vắc xin ngừa Covid-19, trong đó có vắc xin Sputnik phiên bản dành cho trẻ em và dạng xịt mũi.

Theo Phó thủ tướng Nga Tatiana Golikova, Bộ Y tế Nga sẽ đăng ký loại vắc xin Sputnik M mới dành cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi và dự kiến loại vắc xin này sẽ được đưa vào sử dụng từ cuối tháng 12 năm nay. Trong khi đó, người đứng đầu Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) tuyên bố, nước này có kế hoạch xuất khẩu vắc xin dạng xịt mũi cho các quốc gia khác vào năm tới. 

ANH VŨ/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/the-gioi-khong-nen-lo-la-voi-covid-19-du-co-vac-xin-678641

  • Từ khóa