Số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ đã chính thức vượt mốc 50 triệu tính đến ngày 12/12, trong bối cảnh biến thể mới Omicron đã bắt đầu lây lan rộng ở nước này.
Xét nghiệm Covid-19 lưu động ở Manhattan, New York, Mỹ, ngày 8/12/2021. (Ảnh: Reuters)
Sau khoảng 2 tháng ghi nhận mức giảm về số ca nhiễm mới Covid-19, Mỹ đã chứng kiến sự gia tăng trở lại các ca bệnh mới hằng ngày trong 2 tuần qua, tuy nhiên chủ yếu vẫn là do biến thể Delta có khả năng dễ lây lan.
Các bang ở những vùng có khí hậu lạnh giá hơn đang ghi nhận mức tăng cao nhất nước về số ca nhiễm mới tính theo đầu người, bao gồm Vermont, New Hampshire và Michigan.
Số lượng bệnh nhân Covid-19 nhập viện cũng đang gia tăng, với mức tăng 20% kể từ kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn vào cuối tháng 11.
Trong tháng qua, số ca tử vong vì Covid-19 tại Mỹ cũng tăng 4,6%, đưa tổng số người không qua khỏi vì đại dịch vượt mốc 800 nghìn người.
Trong bối cảnh đó, biến thể mới Omicron được cho là có khả năng lây lan cao hơn biến chủng Delta đã lan ra gần một nửa số bang của Mỹ. Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, Tiến sĩ Rochelle Walensky cho biết, các thống kê hiện tại cho thấy biến thể Delta vẫn chiếm 99% các ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ.
Các nghiên cứu mới được công bố trong tuần cho thấy biến thể Omicron có khả năng làm giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine Pfizer và BioNTech sau 2 liều tiêm, nhưng liều thứ ba có thể giúp khôi phục khả năng bảo vệ này.
Khoảng 14% người dân Mỹ hiện đã được tiêm liều tăng cường, trong đó gần 10 triệu người đã tiêm mũi thứ ba kể từ kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn, trước những lo ngại về biến thể Omicron.
Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Xavier Becerra cho biết, tiêm vaccine vẫn là ưu tiên hàng đầu của nước này, nhưng việc phát triển thêm các loại thuốc kháng virus có thể là một “cứu cánh” giúp giảm tỷ lệ nhập viện.
Hiện 2 hãng dược Pfizer Inc và Merck đã phát triển thuốc kháng virus được công bố là có hiệu quả đối với mọi biến thể của virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh ở Nga đang có những dấu hiệu tích cực, dù tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này đã chính thức vượt mốc 10 triệu ca tính đến ngày 12/12.
Tiêm vaccine Sputnik V ngừa Covid-19 ở Omsk, Nga, ngày 29/6/2021. (Ảnh: Reuters)
Theo số liệu chính thức từ chính phủ, Nga ghi nhận 29.929 ca nhiễm Covid-19 mới trong 24 giờ qua, mức hằng ngày thấp nhất kể từ ngày 13/10, đưa tổng số ca bệnh lên 10.016.896 ca kể từ khi đại dịch bùng phát.
Tuy nhiên, làn sóng dịch tại Nga đang có dấu hiệu suy giảm và số ca tử vong cũng đang trong đà giảm.
Theo phân tích dữ liệu của hãng tin Reuters, số ca nhiễm và số người tử vong hàng ngày đều đang giảm sau khi Nga ghi nhận tháng “đen tối” nhất trong đại dịch vào tháng 10. Trong 24 giờ qua, nước này báo cáo 1.132 ca tử vong liên quan, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 10. Tổng số người không qua khỏi ở Nga theo số liệu chính thức là 289.483 người.
Quốc gia này hiện đang tích cực chuẩn bị đối phó với khả năng gia tăng các ca nhiễm liên quan đến biến thể mới Omicron. Vào cuối tháng trước, Tổng thống Vladimir Putin đã yêu cầu bảo đảm nguồn cung thuốc men, oxy và giường bệnh để đối phó biến thể Omicron.
Ông Alexander Gintsburg, người đứng đầu Viện Gamaleya chịu trách nhiệm sản xuất vaccine Sputnik V cho biết, sẽ cần khoảng 10 ngày để nghiên cứu cụ thể về hiệu quả bảo vệ của vaccine này trước biến chủng mới Omicron.
Tại Anh, trước tình hình số ca nhiễm biến thể Omicron tăng mạnh, nước này đã nâng mức cảnh báo dịch bệnh từ mức 3 lên mức 4 trong thang cảnh báo gồm 5 cấp, đồng nghĩa với đánh giá khả năng lây lan rất cao, trong bối cảnh các chuyên gia y tế Anh cảnh báo số ca nhập viện có khả năng tăng mạnh trong những tuần tới.
Ngày 12/12 Anh ghi nhận 1.239 ca nhiễm mới biến thể Omicron, nâng tổng số ca nhiễm biến thể này lên 3.137, tăng 65% so với 1 ngày trước đó.
Anh đã ghi nhận 3.137 ca nhiễm mới biến thể mới Omicron. (Ảnh: Reuters)
Giới chức y tế Anh cho biết, cả 2 loại vaccine dùng tiêm liều tăng cường của Pfizer và Moderna đều giúp tăng đáng kể phản ứng miễn dịch và cho thấy hiệu quả bảo vệ tốt trước biến thể mới, mặc dù có giảm 1 chút so với chủng Delta.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cùng ngày đã phát động chiến dịch đẩy nhanh tiêm liều vaccine ngừa Covid-19 tăng cường. Theo đó, mọi người dân Anh từ 18 tuổi trở lên đủ điều kiện sẽ được tiêm nhắc lại trước khi bước sang năm mới 2022.
Lo ngại biến thể Omicron lây lan, Israel đã bổ sung 2 nước châu Âu là Anh và Đan Mạch vào danh sách “đỏ” gồm khoảng 50 nước, chủ yếu ở châu Phi mà công dân Israel bị cấm ghé thăm. Hạn chế đi lại đối với 2 nước châu Âu nói trên sẽ có hiệu lực từ ngày 15/12.
Trước đó, Israel đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch và quy định tự cách ly 3-7 ngày đối với công dân Israel từ nước ngoài trở về.
Hiện Israel đã phát hiện khoảng 55 trường hợp nhiễm biến thể Omicron. Nước này đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng, đồng thời xem xét việc thực thi nghiêm ngặt hơn các quy định về đeo khẩu trang.
Tại Nam Phi, quốc gia đầu tiên trên thế giới báo cáo về sự xuất hiện của biến thể mới Omicron, Văn phòng Tổng thống nước này ngày 12/12 thông báo, Tổng thống Cyril Ramaphosa đã mắc Covid-19 nhưng chỉ biểu hiện các triệu chứng nhẹ.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tham dự 1 sự kiện ở Cape Town trong ngày 12/12, trước khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. (Ảnh: Reuters)
Ông Ramaphosa, 69 tuổi, đã được tiêm phòng đầy đủ và hiện đang tự cách ly ở Cape Town. Việc điều hành trong tuần tới được giao cho Phó Tổng thống David Mabuza.
Trong những ngày gần đây, Nam Phi đang chứng kiến đợt bùng phát dịch trên toàn quốc, với số ca nhiễm được ghi nhận trung bình khoảng 20 nghìn ca mỗi ngày
Các nhà khoa học Nam Phi cũng vừa đưa ra báo cáo cho biết, chưa thấy dấu hiệu cho thấy biến thể mới gây ra tình trạng bệnh nặng hơn.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 30 phút sáng 13/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 270.426.266 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 5.321.864 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 243.097.851 người.
Đồ họa: TRUNG HƯNG
Trong tuần qua, thế giới ghi nhận thêm 4.107.853 ca nhiễm và 48.754 ca tử vong, trong đó châu Âu vẫn chiếm phần lớn với lần lượt 2.444.309 ca nhiễm mới và 26.609 ca tử vong.
Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh. Số ca nhiễm tại Mỹ chiếm trên 18% tổng số ca toàn thế giới với hơn 50,8 triệu ca, tại Ấn Độ là trên 34,6 triệu ca và ở Brazil là hơn 22,1 triệu ca. Xét về số ca tử vong, Mỹ đứng đầu thế giới với 817.956 ca, tiếp đến là Brazil với 616.941 ca, và Ấn Độ với 475.434 ca.
Châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất, với hơn 83 triệu ca, tiếp đến là châu Âu với hơn 78 triệu ca. Khu vực Bắc Mỹ hiện có hơn 60,6 triệu ca nhiễm và Nam Mỹ là hơn 39,2 triệu ca. Con số này ở châu Phi là hơn 9 triệu ca, trong khi châu Đại Dương hiện có 391 nghìn ca nhiễm.
Tuy nhiên, xét về số ca tử vong, châu Âu đứng đầu thế giới với hơn 1,4 triệu ca, tiếp theo là châu Á với 1.232.261 ca, Bắc Mỹ 1.212.307 ca và Nam Mỹ 1.186.447 ca.
Trung Hưng/nhandan.vn