Để phục hồi kinh tế sau một thời gian dài khốn đốn vì dịch bệnh, chính phủ các nước đã thực hiện và lên kế hoạch cho những gói kích cầu lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát gia tăng mạnh, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa cảnh báo biến thể Omicron có thể làm chậm đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu, chính sách kích cầu kinh tế của Mỹ và nhiều quốc gia đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Kinh tế thế giới đã trải qua “nhiều cung bậc” trong khoảng 2 năm qua cùng với những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19. Trước khi biến thể Omicron xuất hiện, kinh tế thế giới đã có bước chuyển ngoạn mục so với mức giảm 3-5% của năm 2020. Theo đó, niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn cho các nền kinh tế đã gia tăng. Hiệu quả của các gói kích thích kinh tế cùng với việc nhiều nước dần kiểm soát dịch bệnh và thực hiện chiến lược “sống chung với Covid-19” đã tạo lực đẩy giúp nền kinh tế thế giới lấy được đà tăng trưởng.
Theo số liệu của IHS Markit, GDP thực tế của thế giới trong quý II/2021 vượt mức của quý IV/2019-giai đoạn trước đại dịch-đánh dấu mốc chuyển từ giai đoạn phục hồi sang tăng trưởng trở lại. IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cũng đã đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu khi hai định chế tài chính này đều nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, đồng thời nhận định nền kinh tế sẽ phục hồi từ suy thoái với “tốc độ nhanh nhất trong vòng 80 năm trở lại đây”.
Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, sự xuất hiện của biến thể Omicron trong quý cuối năm 2021 đã “dội gáo nước lạnh” vào hy vọng phục hồi mạnh mẽ của kinh tế thế giới và đẩy các chính phủ vào thế khó trong việc triển khai các gói kích cầu kinh tế. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva (K.Gioóc-giê-va) nhận định biến thể mới Omicron của vi-rút SARS-CoV-2 có thể làm chậm quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, giống như tác động của biến thể Delta. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới gần đây nhất, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay đạt 5,9% và năm 2022 đạt 4,9%. Tuy nhiên, theo bà Georgieva, việc Mỹ và các nền kinh tế lớn khác điều chỉnh giảm mạnh dự báo tăng trưởng sau khi biến thể Delta lây lan sẽ ảnh hưởng đến dự báo tăng trưởng toàn cầu. Sự xuất hiện của biến thể Omicron còn khiến tình hình ảm đạm hơn.
Những ngày gần đây, biến thể mới Omicron của vi-rút SARS-CoV-2 được nhận định là “nhanh hơn, nguy hiểm hơn” đã buộc nhiều nước phải tái thiết lập các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt. Tại Trung Quốc, nhiều hải cảng và cửa khẩu quốc tế thu hẹp hoạt động, thậm chí tạm dừng hoạt động. Trong khi đó, nhu cầu hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng đang tăng mạnh ở hầu hết các nền kinh tế. Chuỗi cung ứng bị hạn chế, đứt gãy đã làm gia tăng tình trạng thiếu hàng tiêu dùng và thiếu các nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất như thiết bị bán dẫn, dẫn tới giá cả, lạm phát tăng cao.
Cách đây vài tháng, các quan chức của IMF và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đều cho rằng lạm phát chỉ là tạm thời và sẽ không tăng “phi mã”. Tuy nhiên, các định chế tài chính tuần qua đã thừa nhận nguy cơ lạm phát không chỉ là ngắn hạn. Theo kết quả khảo sát 46 nền kinh tế do Viện nghiên cứu Pew công bố hồi tháng 11, có tới 39 nền kinh tế ghi nhận tỷ lệ lạm phát trong quý III/2021 tăng so với cùng kỳ năm 2019, trong đó Mỹ và 18 nền kinh tế khác có chỉ số lạm phát tăng tới 2 điểm phần trăm. Số liệu mới nhất do Cục Thống kê lao động Mỹ công bố đầu tháng 12 cho thấy, giá cả hàng hóa tại Mỹ đã tăng 6,8% trong năm 2021, mức cao nhất kể từ năm 1982. Tỷ lệ lạm phát tại các nước EU cũng ở mức lịch sử hơn 4%, cao nhất trong một thập niên trở lại đây.
Lạm phát cao đang đẩy các chính phủ vào thế khó. Nếu không kích cầu, nền kinh tế khó phục hồi nhanh, nhưng nếu triển khai các gói kích thích kinh tế lớn sẽ làm gia tăng lạm phát. Lạm phát cũng đã buộc Mỹ và nhiều nước khác phải điều chỉnh chính sách tài chính theo hướng gia tăng kiểm soát. Hôm 15/12, FED cho biết sẽ giảm lượng mua trái phiếu kho bạc hằng tháng và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp với tốc độ nhanh hơn so với mức đưa ra vào tháng 11/2021. Các quan chức FED cũng dự kiến 3 lần tăng lãi suất vào năm 2022. Trước đó, Ngân hàng Trung ương Canada đã tuyên bố kết thúc chương trình nới lỏng định lượng (QE)-một biện pháp được đưa ra khi đại dịch Covid-19 bùng phát, với hàng trăm tỷ CAD để mua trái phiếu chính phủ liên bang. Ngân hàng Trung ương Anh mới đây cũng đã “đánh tiếng” về khả năng tăng lãi suất.
Có thể nói, sau khi biến thể Delta xuất hiện, biến thể Omicron là “họa vô đơn chí” với kinh tế toàn cầu. Hiện tại, đa số định chế tài chính và giới chuyên gia đều có chung nhận định, biến thể này có thể làm chậm quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trong năm nay và tiếp tục gây rủi ro cho kinh tế thế giới năm 2022. Trước mắt, việc các nước buộc phải triển khai các biện pháp hạn chế để phòng dịch và mạng lưới vận tải bị tắc nghẽn khiến nguồn cung tiếp tục gián đoạn sẽ gây khó khăn cho kinh tế thế giới. Nhưng vấn đề lớn hơn là lạm phát gia tăng đang buộc chính phủ các nước phải “chùn tay” trong việc triển khai các gói kích cầu kinh tế. Một khi thiếu “liều thuốc tăng lực” từ các gói kích thích hàng nghìn tỷ USD, kinh tế thế giới rất khó thoát ra khỏi “vũng lầy suy thoái” hiện nay.
HÀ VIỆT/nhandan.vn
https://nhandan.vn/binh-luan-quoc-te/chinh-sach-kich-cau-kinh-te-tien-thoai-luong-nan--678897/