Mùa Giáng sinh ảm đạm

Thứ 3, 21.12.2021 | 08:08:30
711 lượt xem

Các nước châu Âu bước vào mùa Giáng sinh với không khí trầm lắng hơn, khi nhiều quốc gia tăng cường các biện pháp hạn chế nhằm kiềm chế sự lây lan của biến thể mới Omicron. Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt được đưa ra ngay vào dịp Giáng sinh và trước thềm năm mới 2022, vốn là thời điểm các gia đình mạnh tay chi tiêu, đã làm giảm các hoạt động mua sắm, gây ảnh hưởng tới nền kinh tế châu Âu.

Ông già Noel sẽ bớt bận rộn hơn trong mùa Giáng sinh này. (Ảnh minh họa) 

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn và đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây áp lực cho nền kinh tế, Ngân hàng Trung ương Ðức (Bundesbank) đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế "đầu tàu" châu Âu trong năm tới và tăng dự báo lạm phát. Bundesbank dự báo, tăng trưởng kinh tế của Ðức đạt 4,2% vào năm 2022, giảm so với dự báo 5,2% đưa ra tháng 6 vừa qua. Bundesbank nhận định, đà tăng trưởng của Ðức bị chững lại do đại dịch hoành hành trong sáu tháng cuối năm 2021, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 từ 3,7% xuống còn 2,5%.

Mặc dù vậy, các dự báo của Bundesbank về tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn lạc quan hơn so với Ifo, tổ chức nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Ðức. Nhóm này đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 từ mức 5,1% xuống còn 3,7%. Chỉ số môi trường kinh doanh của Ifo đã giảm từ mức 96,6 điểm ghi nhận tháng trước xuống 94,7 điểm. Theo Ifo, tình hình dịch bệnh diễn biến xấu đi tác động rất lớn đến các nhà cung cấp dịch vụ tiêu dùng và bán lẻ. Tình trạng gián đoạn nguồn cung hiện nay do đại dịch đang kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế. Cùng lúc, Ðức phải ứng phó làn sóng dịch thứ 4 khiến các cơ sở kinh doanh ở một số khu vực phải đóng cửa sớm và những người chưa tiêm phòng Covid-19 chỉ được phép đến những cửa hàng bán đồ thiết yếu, phần nào ảnh hưởng doanh thu của các cơ sở kinh doanh.

Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu lao động và chi phí vận chuyển cao càng làm gia tăng gánh nặng đối với các nhà bán lẻ, báo hiệu một mùa Giáng sinh ảm đạm ở châu Âu. Các nhà bán lẻ lo ngại tình trạng lạm phát sẽ tiếp tục ảnh hưởng chi tiêu của người tiêu dùng. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), tỷ lệ lạm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức kỷ lục 4,9% trong tháng 11 vừa qua, chủ yếu do giá năng lượng tăng vọt. Trong đó, Pháp ghi nhận tỷ lệ lạm phát 3,4% trong tháng 11, mức cao nhất trong 13 năm qua. Tại Ðức, tỷ lệ lạm phát trong cùng tháng vượt ngưỡng 5% lần đầu trong ba thập kỷ. Thu nhập sụt giảm trong khi chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ và giá năng lượng tăng cao khiến người dân châu Âu chịu áp lực chi tiêu. Hầu hết gia đình ở châu Âu phải "thắt chặt hầu bao" để trang trải chi phí cho những thứ thiết yếu thay vì chi tiêu mua sắm và giải trí như thông lệ vào dịp lễ Giáng sinh.

Việc các nước châu Âu áp đặt các biện pháp hạn chế để khống chế đà lây lan của biến thể Omicron ảnh hưởng sức mua và nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng. Một số quốc gia châu Âu như Anh, Pháp, Hà Lan đã công bố các biện pháp hạn chế mới, có nguy cơ ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Tổ chức nghiên cứu Oxford Economics của Anh gần đây đưa ra dự báo rằng, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron trên toàn cầu và việc chính phủ các nước nhanh chóng áp đặt lại các biện pháp hạn chế có thể khiến tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm tới chỉ đạt 2,3%. Tăng trưởng kinh tế ở Eurozone trong tháng 12 đã giảm xuống mức thấp nhất trong chín tháng qua, trong khi vật giá ở châu Âu vẫn tiếp tục leo thang dù đã chạm đỉnh kể từ sau các mức cao kỷ lục ghi nhận cách đây hơn một tháng.

Các nước châu Âu chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ứng phó thách thức chưa từng có khi biến thể Omicron có nguy cơ sẽ "thống trị" tại nhiều nước ở châu lục trong thời gian tới. Các biện pháp hạn chế, phong tỏa được áp đặt đã tác động mạnh tới nền kinh tế, khiến con đường phục hồi của châu Âu không được bằng phẳng như mong đợi.


Đan Anh/nhandan.vn

https://nhandan.vn/binh-luan-quoc-te/mua-giang-sinh-am-dam-679139/

  • Từ khóa