Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu cảnh báo các quốc gia trong khu vực chuẩn bị đối mặt với làn sóng Covid-19 mới khi biến chủng Omicron bùng phát.
Châu Âu đối mặt với làn sóng Covid-19 mới do sự lây lan của biến chủng Omicron (Ảnh minh họa: EPA).
"Chúng ta có thể thấy một cơn bão khác sắp đến. Trong vòng vài tuần, Omicron sẽ thống trị ở nhiều quốc gia hơn trong khu vực, đẩy các hệ thống y tế vốn đã căng thẳng đến bờ vực sụp đổ", Giám đốc WHO tại châu Âu Hans Kluge nói tại một cuộc họp báo ở Vienna hôm 22/12.
Ông Kluge cho biết kể từ khi bắt đầu xuất hiện vào cuối tháng 11, biến chủng Omicron đã được phát hiện ở ít nhất 38 trong số 53 quốc gia thành viên của WHO ở khu vực châu Âu. Omicron đã trở thành biến chủng vượt trội ở một số quốc gia trong khu vực, bao gồm Đan Mạch, Bồ Đào Nha và Anh.
Dữ liệu thống kê của WHO cho thấy, châu Âu đã ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới trong những tuần gần đây, xét trên quy mô dân số. Ngay cả trước khi biến chủng Omicron xuất hiện, giới chức châu Âu đã cảnh báo về kịch bản có tới 700.000 ca tử vong trong khu vực.
Giới chức WHO kêu gọi người dân châu Âu tiêm mũi vaccine tăng cường để đối phó với làn sóng Covid-19 mới. "Mũi tiêm tăng cường là lá chắn phòng vệ quan trọng nhất chống lại Omicron", ông Kluge nói.
Cho đến nay, 89% trường hợp phát hiện sớm lây nhiễm Omicron ở châu Âu đi kèm với các triệu chứng Covid-19 thông thường như ho, đau họng và sốt. Hầu hết các trường hợp bị nhiễm là những người trưởng thành trong độ tuổi 20-30, bị lây nhiễm tại các sự kiện cộng đồng hoặc nơi làm việc.
"Nhiều ca nhiễm mới có thể dẫn đến nhiều trường hợp nhập viện hơn và làm gián đoạn hệ thống y tế cũng như các dịch vụ thiết yếu khác. Các chính phủ và cơ quan chức năng cần chuẩn bị tốt nguồn lực để ứng phó với đợt bùng phát sắp tới", quan chức WHO nói thêm.
WHO hồi đầu tuần nói rằng Omicron đang lây lan nhanh hơn so với biến chủng Delta và lây nhiễm cả ở những người đã được tiêm phòng hoặc khỏi bệnh. Nhà khoa học hàng đầu của WHO cho rằng không nên vội kết luận biến chủng Omicron nhẹ hơn Delta.
Các quốc gia châu Âu đã thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch để đối phó làn sóng ca nhiễm mới. Bồ Đào Nha yêu cầu các hộp đêm và quán bar đóng cửa, đồng thời yêu cầu người dân làm việc ở nhà trong ít nhất 2 tuần, trong khi Đức áp dụng lại các quy tắc chặt chẽ hơn về giao tiếp xã hội.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 21/12 đã gặp 16 nhà lãnh đạo bang để đưa ra quyết định về các biện pháp hạn chế mới, bao gồm lệnh cấm tụ tập hơn 10 người, ngay cả khi đã được tiêm chủng.
Ở Thụy Điển, người dân cũng được khuyến khích làm việc tại nhà nếu có thể, đi kèm các quy định chặt chẽ hơn về giãn cách xã hội và yêu cầu về các dịch vụ tại các quán bar, nhà hàng và các sự kiện công cộng quy mô đông người.
Số ca nhiễm mới cũng gia tăng ở Tây Ban Nha, nơi làn sóng Covid-19 thứ 6 khiến tỷ lệ lây nhiễm tăng vọt khi Giáng sinh tới gần. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez kêu gọi người dân bình tĩnh, đồng thời triệu tập một cuộc họp khẩn cấp vào chiều 22/12 để thảo luận về các biện pháp ứng phó.
Thành Đạt/dantri.com.vn