Bộ Y tế Italia ngày 25/12 cho biết, nước này đã chứng kiến ngày thứ ba liên tiếp số ca nhiễm Covid-19 mới liên tục lập đỉnh, với số ca bệnh tro
Người dân đeo khẩu trang đi bộ trên đường phố Rome, khi vùng Lazio ra quy định bắt buộc phải đeo khẩu trang ở tất cả các khu vực ngoài trời, Rome, Italia, ngày 23/12/2021. (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó, số ca tử vong liên quan đến Covid-19 cũng tăng lên 144 ca trong ngày 25/12, so với 141 ca hôm thứ sáu.
Tổng số ca Covid-19 phải nhập viện cùng số bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt cũng tiếp tục tăng, với lần lượt 8.892 và 1.071 ca tính đến ngày thứ bảy.
Cho đến nay, Italia đã ghi nhận 5,57 triệu ca mắc cùng 136.530 ca tử vong liên quan đến Covid-19 kể từ khi dịch bùng phát vào tháng 2 năm ngoái, con số tử vong cao thứ hai ở châu Âu sau Anh và cao thứ chín trên thế giới.
Cùng ngày, Pháp cũng tiếp tục ghi nhận mức cao kỷ lục mới về số ca nhiễm trong 24 giờ qua, với 104.611 ca bệnh.
Đây là lần đầu tiên số ca mắc mới Covid-19 tại Pháp vượt ngưỡng 6 con số kể từ khi đại dịch bùng phát, cũng là ngày thứ ba liên tiếp số ca nhiễm mới ở nước này lập mức cao kỷ lục, trong bối cảnh biến thể mới Omicron tiếp tục lây lan nhanh.
Trước đó, hồi giữa tuần, Bộ trưởng Y tế Olivier Veran đã cảnh báo, Pháp có thể sớm chứng kiến 100 nghìn ca Covid-19 mới mỗi ngày do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron.
Bác sĩ Ruxandra Divan tranh thủ nghỉ ngơi tại phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) điều trị bệnh nhân Covid-19 thuộc Bệnh viện Trung tâm De Colmar, Colmar, Pháp, ngày 15/12/2021. (Ảnh: Reuters)
Theo ông Veran, biến thể Omicron sẽ sớm trở thành dòng virus chiếm ưu thế ở Pháp vào đầu tháng 1 năm sau. Hiện chính phủ nước này đang đặt kỳ vọng vào chiến dịch tiêm liều tăng cường vaccine phòng Covid-19 sẽ giúp ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ năm tàn phá đất nước. Khoảng 22-23 triệu liều tăng cường đã được tiêm trong dịp Giáng sinh, tăng so với 20 triệu liều vào thứ tư.
Dù chưa áp đặt các hạn chế mới cứng rắn hơn, Chính phủ Pháp cũng cho biết tất cả các phương án sẽ được cân nhắc nếu tình hình dịch bệnh ở nước này diễn tiến theo chiều hướng xấu.
Trước lo ngại biến thể Omicron lây lan nhanh ở châu Âu, Đức, Ireland và Hà Lan đã tái áp dụng trở lại các biện pháp phong tỏa 1 phần hoặc toàn bộ đất nước, cùng với các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt khác.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, dù chưa áp dụng các biện pháp hạn chế mới trước Giáng sinh, Chính phủ Anh có thể cần phải hành động sau đó.
Sự lây lan nhanh chóng của Omicron đã khiến số ca bệnh tại Anh tăng vọt trong 7 ngày qua, đặc biệt là ở thủ đô London. Theo Cơ quan thống kê quốc gia (ONS), cứ mỗi 20 người dân London thì có 1 ca Covid-19 cho đến ngày 16/12, và tỷ lệ này sẽ sớm tăng lên 1/10 trong ngày chủ nhật.
Trên phạm vi cả nước, các ước tính của ONS cho thấy, khoảng 1 trong số 35 người Anh - tương đương 1,54 triệu người đã nhiễm Covid-19 trong khoảng thời gian 6 ngày kết thúc vào ngày 19/12. Tỷ lệ này có thể tăng lên 1/25, tức hơn 2 triệu ca bệnh vào chủ nhật.
Tại Mỹ, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới bởi đại dịch, các hãng hàng không của nước này đã phải hủy gần 1.000 chuyến bay và hoãn gần 2.000 chuyến khác trong ngày 25/12, ngày thứ hai liên tiếp chứng kiến số chuyến bay bị hủy lớn do tình trạng lây nhiễm Covid-19 gia tăng, khiến các phi công và thành viên phi hành đoàn phải nghỉ việc do nhiễm bệnh hoặc cách ly.
Dữ liệu từ FlightAware cho thấy, lưu lượng hàng không thương mại trong nước và ra vào Mỹ chiếm hơn một phần tư tổng số chuyến bay bị hủy vào dịp lễ Giáng sinh cuối tuần.
Hành khách chờ chuyến bay tại Sân bay quốc tế John F. Kennedy, sau khi các hãng hàng không thông báo nhiều chuyến bay đã bị hủy vào đêm Giáng sinh, Queens, New York, Mỹ, ngày 24/12/2021. (Ảnh: Reuters)
Số ca nhiễm Covid-19 mới ở Mỹ đã tăng 45% lên 179 nghìn ca mỗi ngày trong tuần qua, trong khi biến thể Omicron hiện đã chiếm gần 3/4 tổng số ca mắc mới, thậm chí tới 90% ở một số khu vực của đất nước, như ở bờ đông duyên hải nước này.
Chỉ riêng New York đã ghi nhận mức kỷ lục mới 44 nghìn ca nhiễm trong ngày thứ sáu. Ít nhất 10 bang khác cũng đạt kỷ lục số ca nhiễm mới trong 24 giờ vào thứ năm hoặc thứ sáu vừa qua.
Số ca nhập viện ngày càng gia tăng đang ảnh hưởng nặng nề đến hệ thống chăm sóc sức khỏe ở vùng trung tây Mỹ, khi các phòng ICU ở Indiana, Ohio và Michigan đang phải gấp rút chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, ngay cả khi đã quá tải trước làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta.
Trong khi đó, Cộng hòa Dominica ngày 25/12 xác nhận trường hợp đầu tiên ở nước này nhiễm biến thể Omicron.
Theo Bộ Y tế Dominica, ca bệnh là 1 hành khách có các triệu chứng nhẹ, đến quốc gia Caribe này từ Nam Phi.
Bộ này cũng cho biết, giới chức y tế Chile sau đó thông báo 1 người từ Cộng hòa Dominica đến Chile cũng đã được xác định nhiễm biến thể mới Omicron. Các trường hợp nghi nhiễm khác đang được tích cực điều tra.
Ở châu Á, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 25/12 cho biết, nước này sẽ bắt đầu tiêm liều tăng cường vaccine phòng Covid-19 như 1 biện pháp phòng ngừa cho các nhân viên y tế và lực lượng tuyến đầu kể từ ngày 10/1, trong bối cảnh các ca nhiễm biến thể Omicron đang gia tăng trên khắp đất nước.
Lau dọn thiết bị y tế tại khu điều trị bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron tại 1 bệnh viện ở Ahmedabad, Ấn Độ, ngày 6/12/2021. (Ảnh: Reuters)
Ông Modi cũng thông tin, những người từ 15-18 tuổi sẽ bắt đầu được tiêm vaccine phòng Covid-19 từ ngày 3/1, trong khi những người trên 60 tuổi mắc các bệnh nền sẽ được tiêm mũi tăng cường sau khi có khuyến nghị từ bác sĩ.
Thủ tướng Modi cũng kêu gọi người dân tiếp tục đeo khẩu trang và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa khác. Chính phủ cũng yêu cầu các bang áp đặt các biện pháp hạn chế tình trạng tập trung quá đông đúc trong mùa lễ hội cho đến đầu năm mới. Hiện một số bang đã áp dụng lệnh cấm một phần các hoạt động lễ hội ở nơi công cộng.
Ấn Độ đã ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng các trường hợp nhiễm Omicron, với 415 ca trên 17 bang. Chính phủ đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, với 88% trong số 944 triệu người đủ điều kiện đã tiêm ít nhất 1 liều, trong khi 61% được tiêm đủ 2 liều.
Trong bối cảnh hàng triệu người vẫn đang đợi tiêm mũi thứ hai, nhà chức trách Ấn Độ sẽ bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho các nhân viên y tế và tuyến đầu, những người đã phải chống chọi với làn sóng dịch thứ hai từ mùa hè năm nay, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.
Các chuyên gia y tế khuyến nghị Ấn Độ cần mở rộng gấp đôi quy mô chiến dịch tiêm chủng và phạm vi bao phủ để ngăn chặn 1 đợt gia tăng các ca nhiễm mới có thể xảy ra, đặc biệt là ở các vùng hẻo lánh, nơi các cơ sở y tế thưa thớt.
Số ca nhiễm Covid-19 ở quốc gia 1,3 tỷ dân này đã giảm gần một nửa so với 1 tháng trước. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận 7.189 ca nhiễm mới. Tổng số ca bệnh tại nước này hiện là 34,78 triệu ca, cao thứ hai toàn cầu chỉ sau Mỹ.
Là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, Mỹ đã ghi nhận tổng cộng hơn 53 triệu ca nhiễm và 837 nghìn ca tử vong. Brazil có số ca tử vong nhiều thứ hai, với 618 nghìn ca.
Tiếp theo trong danh sách các nước bị ảnh hưởng nặng nề là những nước ở châu Âu, trong đó Anh ghi nhận hơn 11,8 triệu ca nhiễm, Nga hơn 10,3 triệu ca, Thổ Nhĩ Kỳ hơn 9,2 triệu ca, Pháp hơn 9 triệu ca và Đức với hơn 6,9 triệu ca nhiễm.
Đồ họa: TRUNG HƯNG
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ sáng 26/12 theo giờ Việt Nam, thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 279,8 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có hơn 5,4 triệu ca tử vong. Số ca bình phục là hơn 250 triệu ca. Hiện còn hơn 24,3 triệu người đang điều trị, trong đó trên 88 nghìn ca nguy kịch.
Tại Đông Nam Á, Indonesia đã ghi nhận hơn 4,2 triệu ca nhiễm, nhiều nhất trong khu vực. Tiếp theo là Philippines, Malaysia và Thái Lan đều ghi nhận hơn 2,2 triệu ca nhiễm.
Trung Hưng/nhandan.vn