Mỹ Latin 2021: Giữa muôn trùng sóng gió

Thứ 3, 28.12.2021 | 09:07:03
400 lượt xem

Năm 2021 tiếp tục là một năm đầy nhọc nhằn và gian truân đối với “con thuyền” Mỹ Latin. Trong cơn cuồng phong Covid-19, các nước ở khu vực phải căng mình ứng phó với hàng loạt thách thức về kinh tế-xã hội cũng như mối đe dọa đến sự ổn định chính trị.

Nhìn lại gần 365 ngày qua, sẽ không quá lời khi cho rằng Cuba là điểm sáng nổi bật trong khu vực rộng lớn này. Bất chấp những khó khăn do các lệnh cấm vận của Mỹ và tác động khôn lường của đại dịch Covid-19, với chính sách đối nội và đối ngoại đúng đắn, Cuba đã nỗ lực đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, tự tin phát triển bằng nội lực và không ngừng tiến lên.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, Đại hội lần thứ VIII Đảng Cộng sản Cuba (PCC) hồi tháng 4 đã thành công tốt đẹp. Đây là cột mốc đánh dấu bước tiếp nối lịch sử, bảo đảm sức sống trường tồn của cách mạng Cuba.

Đại hội đã bầu Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez giữ cương vị Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương PCC, thay cho Đại tướng Raúl Castro Ruz. Với quyết định này, ông Miguel Díaz-Canel Bermúdez trở thành người đầu tiên không thuộc “thế hệ lịch sử” thời kỳ cách mạng năm 1959 đảm nhiệm trọng trách dẫn dắt Cuba tiếp bước trên con đường cách mạng.

Mỹ Latin 2021: Giữa muôn trùng sóng gió
Người dân mua sắm tại một khu chợ ở thủ đô Lima của Peru. Ảnh: Bloomberg 

Phát huy khối đoàn kết toàn dân, đất nước Cuba yêu chuộng hòa bình hiên ngang đứng vững trước những “cơn sóng dữ”. Dưới sự lãnh đạo của PCC, nhân dân Cuba đã kiên cường đấu tranh, làm thất bại những âm mưu của các thế lực thù địch và bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng. Sau khi xảy ra các cuộc biểu tình ở một số địa phương hồi tháng 7 do chiến dịch kích động trên mạng xã hội, hàng nghìn người dân Cuba đã tham gia cuộc tuần hành tại thủ đô La Habana để bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ.

Hành động này cho thấy không điều gì có thể lay chuyển niềm tin vững chắc vào con đường cách mạng Cuba của nhân dân hòn đảo tự do. Vụ việc xảy ra tại Cuba cũng chính là phép thử tình đoàn kết trong gian khó giữa các nước Mỹ Latin. Trước âm mưu gây bất ổn đảo quốc Caribe, các nước trong khu vực như Venezuela, Colombia, Mexico, Bolivia... ngay lập tức lên tiếng chia sẻ, bày tỏ ủng hộ Cuba trong cuộc đấu tranh chống lại những hành động can thiệp từ bên ngoài.

Giữa lúc đại dịch Covid-19 càn quét trên toàn cầu, Cuba đã cho thấy bản lĩnh và ý chí quật cường, càng trong thử thách càng kiên định và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Với thế mạnh lớn trong lĩnh vực công nghệ sinh học, Cuba là quốc gia Mỹ Latin duy nhất tự sản xuất vaccine ngừa Covid-19, bao gồm Abdala, Soberana 02 và Soberana Plus, cùng hai chế phẩm đang được thử nghiệm lâm sàng là Mambisa và Soberana 01. Cuba còn là nước đầu tiên trên thế giới tiến hành chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 2 đến 11 tuổi.

Tại đảo quốc Caribe, 90% dân số đã được tiêm ít nhất một liều và 83% dân số hiện đã được tiêm chủng đầy đủ với các loại vaccine nội địa. Điều này đưa Cuba trở thành nước có tỷ lệ dân số được tiêm chủng cao nhất tại Mỹ Latin. Với những thành tựu ấn tượng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Cuba chính là ngọn đèn hải đăng, là điểm tựa tinh thần cho các nước khác ở Mỹ Latin.

Trên bình diện khu vực, có thể thấy, năm 2021 là một năm thành công đối với phong trào cánh tả tại Mỹ Latin. Tại cuộc bầu cử Tổng thống Chile nhiệm kỳ 4 năm tới gần đây, chiến thắng đã thuộc về ông Gabriel Boric Font, 35 tuổi, chính trị gia thuộc liên minh cánh tả. Với kết quả này, ông Gabriel Boric Font trở thành nhà lãnh đạo trẻ nhất lịch sử Chile kể từ khi nước này trở lại chế độ dân chủ vào năm 1990.

Còn tại Honduras, bà Xiomara Castro de Zelaya, lãnh đạo Đảng Tự do và tái thiết theo đường lối cánh tả, đã đắc cử Tổng thống nước này nhiệm kỳ 2022-2026. Sau khi chính thức nhậm chức vào tháng 1-2022, bà Xiomara Castro de Zelaya sẽ ghi tên mình vào lịch sử Honduras với tư cách là nữ tổng thống đầu tiên. Những sự kiện này cho thấy, mặc dù phải đối mặt với muôn vàn thách thức, song phong trào cánh tả vẫn duy trì sức ảnh hưởng tại khu vực.

Trong năm qua, những “vết thương chưa liền da” ở Mỹ Latin tiếp tục bị khoét sâu thêm. Virus quái ác SARS-CoV-2 cùng với các biến thể của nó đã làm gia tăng tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng, thất nghiệp, nợ nần của hầu hết các nước trong khu vực. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, năm 2021, Mỹ Latin là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ lạm phát, trong đó hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Brazil và Mexico ghi nhận mức tăng kỷ lục.

Thêm vào đó, ngoài điểm sáng Cuba thì hầu hết các quốc gia trong khu vực đều có tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 thấp. Theo Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO), hiện hàng triệu người Mỹ Latin vẫn chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Điều này sẽ khiến cho quá trình phục hồi của Mỹ Latin chậm hơn các khu vực khác trên thế giới.

Năm 2021 sắp khép lại cùng những bộn bề khó khăn và lo toan. Chặng đường phục hồi của Mỹ Latin sẽ còn lắm gian nan khi đại dịch Covid-19 đang làm trầm trọng thêm những vấn đề tồn tại lâu nay ở khu vực. Nếu chính phủ các nước không khẩn trương thực hiện cải cách, những hậu quả của dịch bệnh sẽ đeo bám dai dẳng và đẩy Mỹ Latin chìm sâu trong khủng hoảng.

THÙY LINH/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/my-latin-2021-giua-muon-trung-song-gio-681716

  • Từ khóa