Chuyên gia nhận định áp lực giảm giá dầu có thể giảm bớt nếu chứng minh được biến thể Omicron chỉ gây bệnh nhẹ
Tính đến ngày 27-12 (giờ địa phương), đã có hàng ngàn hành khách bị mắc kẹt trong 3 ngày, sau khi các hãng hàng không Mỹ hủy hơn 1.300 chuyến bay. Riêng trong ngày và đêm Giáng sinh có 997 chuyến bay ra hoặc vào nước Mỹ bị hủy.
Nguyên nhân là các hãng thiếu phi công và phi hành đoàn do họ phải cách ly liên quan đến Covid-19. Ít nhất 3 du thuyền cũng phải quay lại cảng vì phát hiện ca mắc Covid-19.
Không chỉ chuyện đi lại, thị trường dầu mỏ và chứng khoán trên thế giới cũng gặp nhiều biến động. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) có lúc giảm 1,3%, xuống còn 72,82 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 27-12. Trong khi đó, giá dầu thô Brent giảm 0,3% xuống 75,9 USD/thùng sau khi giảm 0,92% trong phiên giao dịch hôm 24-12.
Cả hai loại dầu trên nhìn chung đã tăng 3%-4% trong tuần trước sau khi những dữ liệu ban đầu cho thấy biến thể Omicron có thể chỉ gây bệnh nhẹ. Dù vậy, biến thể này vẫn có nguy cơ lây nhiễm cao và khiến số ca mắc mới tăng đột biến trên toàn thế giới.
Các nhà quan sát cho biết thị trường dầu mỏ nói chung vẫn tỏ ra thận trọng về nhu cầu trong ngắn hạn.
Bà Leona Liu, nhà phân tích của DailyFX có trụ sở tại Singapore, cho biết: "Giá dầu bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về Omicron nhưng áp lực giảm giá có thể giảm bớt nếu biến thể này được chứng minh gây bệnh nhẹ".
Hành khách bị hủy chuyến tại sân bay quốc tế John F. Kennedy ở TP New York - Mỹ trong đêm 24-12 Ảnh: REUTERS
Nhà phân tích Jeffrey Halley tại Tập đoàn OANDA (Mỹ) cho biết đà phục hồi nhẹ có thể tiếp diễn vào tháng 1 và kéo đến tháng 2-2022. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất bên ngoài, gồm Nga (gọi tắt là OPEC+) dự kiến nhóm họp vào ngày 4-1-2022 để quyết định có tiếp tục tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày vào tháng 2 năm sau hay không.
Tại châu Âu, giá khí đốt đã chạm mức cao kỷ lục trong tuần qua do nguồn cung hạn chế. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 24-12 cho rằng Liên minh châu Âu (EU) chỉ đổ lỗi cho các chính sách trong khi một số thành viên EU bán lại khí đốt giá rẻ của Nga với giá cao hơn nhiều trong khối.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á đã giảm điểm trong phiên giao dịch hôm 27-12 do giới đầu tư vẫn chưa thể chắc chắn về tác động của biến thể Omicron đối với nền kinh tế.
Chính quyền TP Tây An - Trung Quốc bắt đầu chiến dịch khử trùng quy mô lớn từ ngày 26-12 sau khi đợt bùng phát mới khiến 13 triệu cư dân thành phố bị phong tỏa. Với số ca mắc mỗi ngày tăng lên khoảng 150 ca vào ngày 26 và 27-12, giới chức y tế địa phương đang nỗ lực truy vết thông qua đợt xét nghiệm hàng loạt lần thứ 4.
Trước những diễn biến mới này, các cổ phiếu của Trung Quốc đều sụt giảm giá hôm 27-12. Chỉ số SSE50 của Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải giảm 0,48% và chỉ số CSI 300 của các cổ phiếu niêm yết tại Thượng Hải và Thâm Quyến giảm 0,22%.
Chỉ số Nikkei của Nhật Bản kết thúc phiên hôm 27-12 giảm 0,37% trong khi chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,43%. Trên thị trường ngoại hối, đồng USD tiếp tục suy giảm bất chấp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo kế hoạch tăng lãi suất trong năm sau.
Phản ứng của một cậu bé khi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại TP New Delhi - Ấn Độ hôm 30-11 Ảnh: REUTERS
Mất mát cơ hội
Với phần lớn giới trẻ ở châu Á, đại dịch Covid-19 đã cướp đi cơ hội của họ. Tại Indonesia, nơi 25% trên tổng số 270 triệu dân thuộc nhóm tuổi 10-24, không ít phụ huynh buộc phải cho con thôi học hoặc gả con gái sớm để giảm bớt gánh nặng tài chính.
Tại Thái Lan, ít nhất 10.000 học sinh phải gác lại chuyện học hành kể từ khi đại dịch khởi phát và con số này dự kiến tăng lên 65.000 vào cuối năm nay, theo Giám đốc Quỹ Giáo dục bình đẳng Sompong Jitradub.
Tương tự, 4,6% trẻ em Ấn Độ không được đăng ký đi học trong năm nay, tăng gần gấp đôi so với năm 2018, theo báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận Pratham.
Covid-19 còn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần của giới trẻ châu Á. Từ tháng 11-2020 đến giữa tháng 10-2021, số trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng tại Ấn Độ đã tăng 91%, lên 1,77 triệu em.
Những trường hợp trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên Ấn Độ cũng tăng gấp 3 lần, theo bác sĩ tâm lý Jitendra Nagpal của Bệnh viện Moolchand ở New Delhi.
Ngoài những vấn đề liên quan đến tâm trạng, giấc ngủ và khả năng tập trung, giới trẻ châu Á còn lo lắng trước thị trường lao động đứt gãy, ngay cả khi các nước đang tái mở cửa biên giới. Theo Tổ chức Lao động quốc tế, tại Thái Lan, tỉ lệ thất nghiệp ở nhóm dân số 15-24 tuổi đã chạm mức cao kỷ lục.
Dù gặp nhiều trở ngại, giới trẻ châu Á cũng phần nào bồi đắp khả năng thích ứng thông qua Covid-19. Nhiều bạn trẻ đã học được những kỹ năng mới hoặc khám phá lại niềm vui bên gia đình và người thân.
Cao Lực
XUÂN MAI/nld.com.vn
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/bien-dong-trong-di-lai-thi-truong-20211227213336973.htm