Năm 2021 là một năm đặc biệt với Ấn Độ, khi quốc gia Nam Á này không chỉ gánh chịu thảm kịch Covid-19 bùng phát hồi tháng 4 khiến hàng trăm nghìn người tử vong mà còn chứng kiến những cuộc biểu tình kéo dài gần một năm ròng của nông dân trên quy mô cả nước.
Biểu tình của nông dân Ấn Độ bắt đầu nổ ra khi 3 đạo luật về nông nghiệp được chính quyền nước này thông qua hồi tháng 9-2020, với mục đích hiện đại hóa ngành nông nghiệp Ấn Độ, tăng thu nhập cho nông dân bằng cách mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.
Mục đích là chính đáng, song trên thực tế, khi được áp dụng, các đạo luật này sẽ trao quyền kiểm soát lĩnh vực nông nghiệp cho các tập đoàn tư nhân và tước bỏ chính sách Mức giá hỗ trợ tối thiểu (MSP) mà chính phủ áp dụng lâu nay đối với nông sản.
Hàng triệu nông dân Ấn Độ sẽ mất đi sự hỗ trợ của chính phủ. Không được trợ giá, thị trường bấp bênh, chi phí sản xuất cao, giá nông sản thấp..., tất cả sẽ đẩy người nông dân vào thế khốn cùng và buộc phải từ bỏ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Có thể thấy rõ, thiệt hại lớn nhất thuộc về những người nông dân chân lấm tay bùn và ngành nông nghiệp Ấn Độ.
Nông dân Ấn Độ bày tỏ niềm vui sau khi Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố bãi bỏ 3 đạo luật nông nghiệp. Ảnh: Indian TV News |
MSP là mức giá mà chính phủ thu mua một số loại nông sản để bảo đảm nông dân không phải chịu lỗ trong sản xuất nông nghiệp. Các yếu tố xác định MSP bao gồm chi phí sản xuất, giá cả trong nước và quốc tế, điều kiện cung-cầu, giá cây giống, điều kiện thương mại giữa các khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.
MSP bảo đảm lợi nhuận ít nhất 50% so với chi phí sản xuất cho người nông dân. Ngoài ra, nếu nông sản được giá, nông dân được quyền tự do bán cho các đối tác tư nhân. Đây được cho là một chính sách thiết yếu của Chính phủ Ấn Độ bảo đảm đời sống cho nông dân cũng như bảo đảm mức giá bình ổn cho thị trường.
Vậy tại sao sau nhiều năm áp dụng chính sách MSP được lòng giới nông dân, sức ép nào đã khiến Ấn Độ đưa ra các đạo luật gây tranh cãi? Ai được hưởng lợi từ những đạo luật này? Mới đây, Al Jazeera đã đăng tải bài viết của bà Monica Gill-đại diện của một tổ chức phi chính phủ có tư cách tham vấn đặc biệt tại Liên hợp quốc.
Theo Monica Gill, đó chính là sự can thiệp của phương Tây vào các chính sách nông nghiệp của Ấn Độ, và điều này có thể dẫn đến nguy cơ phá hủy hoạt động canh tác quy mô nhỏ, hủy diệt sinh kế của nông dân, làm suy yếu nền kinh tế nông nghiệp Ấn Độ. “Những đạo luật này chịu tác động của các nước phương Tây-họ sẵn sàng đẩy nông dân Ấn Độ vào cảnh nghèo đói bằng các chương trình nghị sự tư bản của họ”.
Ấn Độ vốn phải đối mặt với sức ép từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp như Canada, Mỹ và Australia. Trong vài thập kỷ qua, thông qua WTO, các nước phương Tây này đã gây sức ép buộc Ấn Độ phải xóa bỏ trợ giá trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2018, Mỹ tuyên bố Ấn Độ đã trợ giá cho lúa mì và gạo cao hơn mức MSP được công bố.
Năm 2019, Canada và Mỹ lên tiếng phản đối mức MSP cao ở Ấn Độ, trong khi Australia chỉ trích cụ thể các khoản trợ giá mía đường. Trong nông nghiệp, WTO áp mức trợ giá 5% chi phí sản xuất đối với các nước phát triển và 10% đối với các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, những chính sách của WTO phần lớn dựa trên cấu trúc ngành nông nghiệp ở các nước phương Tây giàu có, nơi quy mô trang trại lớn hơn, như ở Mỹ là 400 mẫu Anh (162ha). Còn một trang trại ở Ấn Độ chỉ có diện tích trung bình khoảng 2 mẫu Anh (0,8ha). Mức trợ giá 10% mà WTO quy định không bù đắp nổi một phần chi phí sản xuất tối thiểu cho người nông dân. Đó là lý do tại sao một số bang của Ấn Độ đã định mức MSP cao tới 50% chi phí sản xuất.
Trên thực tế, chính các nước phương Tây đã có nhiều hình thức trợ giá khác cho người dân, như phiếu thực phẩm miễn phí, các khoản phúc lợi xã hội, trợ cấp thất nghiệp và một số bảo hiểm y tế miễn phí. Trong khi đó, các nước đang phát triển chưa có cơ sở hạ tầng và ngân sách để thực hiện các hình thức trợ giá tương tự.
Giới nông dân chiếm khoảng 60% dân số Ấn Độ, chủ yếu trông chờ vào chính sách MSP của chính phủ. Một khi khoản trợ giá tối thiểu không được bảo đảm, người nông dân sẽ từ bỏ sản xuất nông nghiệp, các trang trại nhỏ sẽ bị bóp nghẹt dần rồi chết hẳn và đẩy Ấn Độ vào tình thế phải nhập khẩu lương thực.
Quốc gia Nam Á với dân số 1,4 tỷ người (số liệu thống kê của Liên hợp quốc đầu tháng 1-2022) là một thị trường béo bở cho các nước phương Tây. Nắm bắt được điều đó, dường như họ đang muốn duy trì “các chính sách thực dân mới”, thông qua công cụ là WTO gây sức ép lên chính quyền sở tại.
Và nỗ lực đấu tranh chống “các chính sách thực dân mới” của nông dân Ấn Độ dường như đã có một cái kết đẹp, khi chính quyền Thủ tướng Narendra Modi quyết định bãi bỏ 3 đạo luật nông nghiệp trên vào tháng 11-2021. Dù có thể còn nhiều khó khăn, song người dân Ấn Độ đã bắt đầu năm 2022 tràn đầy lạc quan và hy vọng.
PHƯƠNG THẢO/qdnd.vn