Theo kế hoạch, cuộc đàm phán giữa Taliban và các quan chức phương Tây bắt đầu diễn ra tại Oslo (Na Uy) từ ngày 23-1 và dự kiến kéo dài khoảng 3 ngày.
Đây là cuộc đàm phán đầu tiên giữa Taliban và các nước phương Tây kể từ khi lực lượng này lên nắm quyền tại Afghanistan vào tháng 8 năm ngoái.
“Chúng tôi đã tiến hành các bước đi nhằm đáp ứng các yêu cầu của phương Tây và chúng tôi hy vọng tăng cường quan hệ ngoại giao với tất cả các nước, trong đó có các quốc gia ở châu Âu và phương Tây nói chung”, ông Zabihullah Mujahid, người phát ngôn của Taliban nêu rõ trước khi cuộc đàm phán ở Oslo diễn ra.
Cũng theo người phát ngôn Mujahid, thông qua cuộc gặp với các nhà ngoại giao phương Tây, Taliban muốn “biến bầu không khí chiến tranh thành hòa bình".
Các đại diện của Taliban đến Na Uy chuẩn bị cho cuộc đàm phán. Ảnh: SCMP |
Dự kiến trong 3 ngày diễn ra đàm phán, phái đoàn Taliban do quyền Bộ trưởng Ngoại giao Amir Khan Muttaqi dẫn đầu sẽ có các cuộc tiếp xúc với giới chức nước Na Uy và đại diện một số nước: Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Italy và Liên minh châu Âu (EU). AFP nhận định nội dung chính của cuộc đàm phán là bảo đảm quyền con người và viện trợ nhân đạo.
Ngoài ra, theo lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, an ninh và chống khủng bố cũng là những vấn đề dự kiến sẽ được các bên thảo luận tại Oslo.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Na Uy Anniken Huitfeldt tuyên bố, cuộc đàm phán lần này không đồng nghĩa với sự công nhận hay hợp pháp hóa lực lượng Taliban cầm quyền tại Afghanistan.
“Chúng tôi phải đàm phán với chính quyền vốn trên thực tế đang điều hành đất nước Afghanistan. Chúng tôi không thể để tình hình chính trị dẫn tới một thảm họa nhân đạo lớn hơn tại quốc gia này”, Ngoại trưởng Na Uy nêu rõ.
Cuộc đàm phán giữa Taliban và đại diện các quốc gia phương Tây diễn ra trong bối cảnh tình hình nhân đạo tại Afghanistan đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Trước đây, viện trợ quốc tế chiếm 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và chiếm 80% ngân sách của Afghanistan.
Tuy nhiên, sau khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan vào tháng 8-2021, các khoản viện trợ quốc tế dành cho quốc gia này tạm thời bị gián đoạn và Mỹ cũng đã phong tỏa khối tài sản trị giá 9,5 tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Afghanistan tại nước ngoài. Theo số liệu của Liên hợp quốc (LHQ), 23 triệu người Afghanistan, tương đương 55% dân số nước này, đang bị nạn đói đe dọa.
Ngoài ra, số người thất nghiệp tại Afghanistan đang ngày càng tăng và hầu hết công chức không được nhận lương trong nhiều tháng qua.
Trước tình hình này, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres mới đây đã kêu gọi ngừng phong tỏa dự trữ ngoại tệ của Afghanistan một cách có điều kiện, đồng thời cho rằng cần dùng nguồn ngân sách quốc tế để trả lương cho công chức, viên chức và giúp các cơ quan ở nước này cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục cho người dân.
LHQ cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp 5 tỷ USD để cứu trợ khẩn cấp cho Afghanistan trong năm 2022 nhằm ngăn chặn nạn đói, bệnh tật, tình trạng suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ em.
Trong khi đó, ngày 13-1 vừa qua, chính quyền Taliban thông báo đã phê duyệt khoản ngân sách 508 triệu USD dành cho quý đầu tiên của năm 2022. Số tiền này sẽ được dùng để trả lương cho các công chức và đầu tư cho các dự án phát triển, bao gồm hạ tầng giao thông.
Theo ông Ahmad Wali Haqmal, người phát ngôn Bộ Tài chính của chính quyền Taliban, đây là lần đầu tiên trong hai thập kỷ qua Afghanistan có một ngân sách không phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Ngân sách này được huy động từ các nguồn thu của chính Afghanistan như thuế, thương mại và khai khoáng.
ANH VŨ/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/taliban-bat-dau-cuoc-dam-phan-dau-tien-voi-phuong-tay-684389