Peru ngày 22/1 đã ban bố tình trạng khẩn cấp về môi trường dọc khu vực bờ biển chịu ảnh hưởng của sự cố tràn dầu từ một tàu thuộc Tập đoàn năng lượng Repsol (Tây Ban Nha). Sự cố xảy ra khi tàu của Repsol đang dỡ hàng tại nhà máy lọc dầu La Pampilla thì gặp sóng lớn bất thường phát sinh từ thảm họa núi lửa phun trào ở Tonga, cách đó khoảng 10.000 km.
Peru nỗ lực khắc phục hậu quả sự cố dầu tràn. Ảnh REUTERS
Dầu tràn khiến 174 ha biển, bãi biển và các khu bảo tồn thiên nhiên tại Peru bị ô nhiễm. Lực lượng chức năng đã tiến hành dọn dẹp dầu tràn, song dầu thô tiếp tục lan rộng, tới 40 km kể từ vị trí ban đầu. Chính phủ Peru yêu cầu Tập đoàn Repsol bồi thường thiệt hại. Repsol cho biết, sự cố tràn dầu xảy ra do các đợt sóng lớn trên Thái Bình Dương trong khi chính phủ không đưa ra cảnh báo, tập đoàn khẳng định đã nỗ lực để khắc phục sự cố.
Các ngư dân huyện duyên hải Ventanilla, gần thủ đô Lima của Peru, tập trung bên ngoài nhà máy La Pampilla đòi bồi thường tổn thất. La Pampilla là nhà máy lọc dầu lớn nhất của Peru, chiếm hơn nửa thị phần thị trường năng lượng nước này. Nhà máy này đã khoanh vùng các khu vực bị ảnh hưởng bởi dầu tràn, song chủ sở hữu nhà máy có thể đối mặt khoản tiền phạt lên đến 34,5 triệu USD. Các chuyên gia môi trường cho rằng, phải mất đến 2 năm mới có thể dọn sạch lượng dầu tràn.
Trong khi đó, cộng đồng quốc tế đang tích cực đưa hàng cứu trợ đến Tonga nhằm đáp ứng lời kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp từ quốc đảo Thái Bình Dương vừa trải qua thảm họa kép do núi lửa phun trào và sóng thần. New Zealand thông báo nâng tổng viện trợ Tonga lên hơn 2 triệu USD, được sử dụng để cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân cũng như triển khai công cụ dọn tro bụi núi lửa.
Liên hợp quốc cho biết, Tonga đã yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp và cơ quan này đang liên hệ chặt chẽ với các nhà chức trách Tonga. Liên hợp quốc đặc biệt quan ngại về khả năng tiếp cận nguồn nước an toàn của 50.000 người trên khắp Tonga. Ngoài ra, khoảng 60.000 người bị ảnh hưởng do hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt cá bị thiệt hại vì tro bụi, xâm nhập mặn và nguy cơ mưa a-xit.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/peru-ban-bo-tinh-trang-khan-cap-do-tran-dau-683460/