Để tiêu diệt trùm khủng bố Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi, giới chức Mỹ đã dành 2 tháng để lên kế hoạch kỹ lưỡng và hoàn thành đột kích trong 2 giờ đồng hồ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quan chức Mỹ tại Phòng tình huống Nhà Trắng theo dõi chiến dịch đột kích trùm khủng bố IS hôm 2/2 (Ảnh: Reuters).
Đầu tháng 12/2021, các cơ quan tình báo của Mỹ đã biết chắc chắn rằng người đàn ông sống trong một ngôi nhà ở thị trấn Atmeh xa xôi hẻo lánh, thuộc tỉnh Idlib, miền bắc Syria và không bao giờ ra khỏi nhà là thủ lĩnh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và Syria. Hắn cũng được xác định đã cụt một chân sau một cuộc không kích của lực lượng Mỹ gần Mosul vào năm 2015.
Tại Phòng tình huống của Nhà Trắng, một mô hình của ngôi nhà đã được dựng lên. Hôm 20/12/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden được cấp dưới tham vấn các phương án bắt sống trùm IS Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi, một trong những mục tiêu khủng bố truy nã hàng đầu của Mỹ.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, Qurayshi sống ở tầng 3 của căn nhà và hiếm khi rời nơi ở, mọi hoạt động giao tiếp với thế giới bên ngoài phụ thuộc vào những người thân cận và chân rết của IS. Các tầng dưới của tòa nhà là vợ và các con của Qurayshi.
Nơi ở của thủ lĩnh IS ở Syria bị phá hủy sau cuộc đột kích (Ảnh: Reuters).
Giới chức Mỹ nói rằng, họ có thể dễ dàng tiêu diệt Quraishi bằng một tên lửa dẫn đường chính xác sau một chiến dịch tìm kiếm và lên kế hoạch lâu dài. Tuy nhiên, ông Biden đã chọn một phương án liều lĩnh và nguy hiểm hơn cho "người của lực lượng" nhưng an toàn hơn với dân thường. Đó là phương án đột kích trực tiếp thay vì tấn công từ xa. Điều này nhằm giảm nguy cơ thương vong cho dân thường, những người chung sống với thủ lĩnh IS trong ngôi nhà 3 tầng gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Biden cuối cùng đã hạ lệnh cho chiến dịch đột kích vào nơi ở của trùm khủng bố IS vào đêm hôm 2/2. Tổng thống Biden, Phó tổng thống Kamala Harris và các quan chức khác của chính quyền Mỹ đã theo dõi chi tiết chiến dịch từ Phòng tình huống của Nhà Trắng.
Trong cuộc đột kích kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ này, các trực thăng đã chở 24 lính đặc nhiệm của Mỹ tới bao vây nơi ở của Qurayshi.
Khi lực lượng của Mỹ tiếp cận được tầng 2 của tòa nhà, một trong những tay sai và vợ của Qurayshi bắt đầu nổ súng, nhưng cuối cùng những người này đều thiệt mạng. Trong khi đó, theo lời giới chức Mỹ, Qurayshi đã tự kích hoạt đai nổ để tự vẫn cùng với vợ và các con trước khi bị đặc nhiệm Mỹ vây bắt. Các nhà chức trách Mỹ tin rằng, Qurayshi đã bố trí nhiều gia đình không có liên hệ với IS chung sống trong ngôi nhà 3 tầng này nhằm làm "lá chắn sống" cho mình.
Mặc dù mới được lên kế hoạch trong hai tháng, nhưng chiến dịch tiêu diệt Qurayshi được đánh giá có nhiều điểm tương đồng và có quy mô tương đương chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden năm 2011.
Tổng thống Biden hôm 4/2 cho biết, ông đã chỉ thị cho Lầu Năm Góc áp dụng các biện pháp thận trọng nhất có thể để giảm thiểu thiệt hại cho dân thường. Ông cho biết thêm, đội ngũ an ninh, giới chức Lầu Năm Góc và cộng đồng tình báo Mỹ phối hợp nhiều tháng qua để đảm bảo chiến dịch diễn ra thành công và an toàn. Để chiến dịch diễn ra thành công, đặc nhiệm của Mỹ đã tập dượt đột kích hàng chục lần.
"Chúng tôi kỳ vọng chiến dịch sẽ làm nội bộ IS rối loạn. Đối tượng là một trong số những thủ lĩnh thế hệ đầu còn sống sót. Có thể nói chiến dịch là một phần nỗ lực loại bỏ những nhân tố lãnh đạo còn lại của nhóm khủng bố", một quan chức Mỹ giấu tên cho biết.
Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi, 45 tuổi, trở thành thủ lĩnh của IS sau khi người tiền nhiệm Abu Bakr al-Baghdadi thiệt mạng trong một cuộc tấn công của Mỹ ở tây bắc Syria năm 2019. Kể từ đó, al-Qurayshi khá kín tiếng, không xuất hiện công khai.
Theo giới chức Mỹ, al-Qurayshi đứng đằng sau hành động chủng người thiểu số Yazidi năm 2014. Al-Qurayshi bị Mỹ coi là kẻ khủng bố toàn cầu kể từ năm 2020 với khoản treo thưởng lên tới 10 triệu USD.
Minh Phương/dantri.com.vn