Nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng giữa Nga và phương Tây

Thứ 2, 07.02.2022 | 08:45:16
319 lượt xem

Với vai trò là hai quốc gia đầu tàu trong Liên minh châu Âu (EU) và cũng là nước thành viên có vai trò quan trọng trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Pháp và Đức đang nỗ lực thực hiện các biện pháp ngoại giao nhằm tháo ngòi căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.

Theo AFP, ngày 5-2, Điện Élysée thông báo, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg về quan hệ căng thẳng giữa Nga và Ukraine trước khi công du tới Moscow và Kiev. Các cuộc điện đàm riêng rẽ này diễn ra trong bối cảnh các đồng minh trong NATO liên tục tham vấn về chủ đề căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

Trao đổi với Tổng thư ký NATO Stoltenberg, nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh về sự cần thiết phải duy trì đối thoại để tìm ra con đường giảm leo thang căng thẳng trong sự thống nhất, tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc cơ bản của an ninh châu Âu, chủ quyền của các quốc gia. Về phần mình, người đứng đầu NATO bày tỏ hoan nghênh cách tiếp cận này của Paris và cảm ơn Tổng thống Macron vì sự phối hợp chặt chẽ giữa các đồng minh trước chuyến đi tới Nga và Ukraine. Tổng thống Pháp, Thủ tướng Anh và Tổng thư ký NATO cam kết duy trì liên lạc chặt chẽ trong những ngày tới, khi Tổng thống Macron thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao của mình. 

Nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng giữa Nga và phương Tây
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz muốn duy trì đối thoại với Nga. Ảnh: RT. 

Theo kế hoạch, Tổng thống Macron sẽ đến Nga vào ngày hôm nay (7-2) để gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Sau đó, ông Macron sẽ đến Ukraine vào ngày 8-2 và hội đàm với Tổng thống Volodymyr Zelensky. Mục tiêu của nhà lãnh đạo Pháp là đạt được tiến bộ trong nỗ lực tháo ngòi căng thẳng giữa hai nước này.

Trong vài ngày qua, Tổng thống Macron đã liên tiếp có các cuộc điện đàm với ông Putin và ông Zelensky cũng như với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Pháp nêu rõ, từ việc hiểu những lo ngại của Nga về sự mở rộng của NATO và sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Đông Âu, các cuộc trao đổi dựa trên sự cân bằng chiến lược tại châu Âu nhằm hướng đến mục tiêu giảm nguy cơ trên thực địa và bảo đảm an ninh.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng sẽ có một loạt chuyến công du nước ngoài nhằm giải quyết căng thẳng giữa phương Tây và Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Chính phủ Đức cho biết, Thủ tướng Scholz dự kiến sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 7-2, tại Washington, khi hai nhà lãnh đạo tham dự hội nghị Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Tiếp đó, ông Scholz sẽ công du Ukraine vào ngày 14-2 và tới Nga ngày 15-2.

Về phía Nga, trong một cuộc họp báo, ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga nhấn mạnh, có nhiều chủ đề trong chương trình nghị sự giữa hai nhà lãnh đạo Nga, Pháp nhưng nội dung chính là các vấn đề liên quan đến bảo đảm an ninh. “Tổng thống Putin sẵn sàng thảo luận với Tổng thống Pháp và nói rõ những lo ngại cũng như về phản ứng của Mỹ và NATO đối với đề xuất bảo đảm an ninh của Nga”, ông Peskov nói với các phóng viên. Điện Kremlin cũng đã xác nhận thông tin về việc Thủ tướng Đức sẽ thăm Nga và dự kiến có cuộc hội đàm “thực chất” với Tổng thống Putin.

Trong thời gian gần đây, quan hệ giữa Nga với Ukraine và phương Tây đã leo thang căng thẳng khi Mỹ và NATO cho rằng có khả năng Nga triển khai hành động quân sự đối với Ukraine. Trong khi đó, Moscow luôn bác bỏ và khẳng định đây là cáo buộc vô căn cứ. Nga cũng nhấn mạnh, nước này không gây đe dọa cho bất cứ quốc gia nào. Moscow cũng cảnh báo mưu toan dùng giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng miền Đông Ukraine sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.

Những năm qua, Tổng thống Pháp Macron luôn duy trì lập trường rằng, các nước châu Âu nên duy trì các kênh đối thoại mở với Nga và khẳng định “đối thoại có điều kiện” sẽ chỉ dẫn tới một cuộc đối đầu với Moscow. Theo Tổng thống Macron, châu Âu sẽ không đạt được ổn định và trật tự nếu các nước trong khu vực không tìm ra giải pháp chung với các nước láng giềng, trong đó có Nga. Tại cuộc họp báo chung ở Berlin hồi tháng 1 vừa qua, Pháp và Đức khẳng định sẽ không bao giờ từ bỏ đối thoại với Nga. 

Căng thẳng leo thang giữa phương Tây và Nga về vấn đề Ukraine đã “phủ bóng đen” lên thị trường năng lượng ở châu Âu. Mỹ và EU đang phối hợp tìm kiếm nguồn cung khí đốt thay thế trong trường hợp hoạt động cung cấp khí đốt từ Nga cho châu Âu gặp gián đoạn. Nga hiện cung cấp khoảng 35% lượng khí đốt cho châu Âu và là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho khu vực này.


LÂM ANH/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/no-luc-ha-nhiet-cang-thang-giua-nga-va-phuong-tay-685277

  • Từ khóa