Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ sáng 9/2 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã vượt mốc 400 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, với tổng cộng 400.428.718 ca bệnh được ghi nhận trên toàn cầu.
Người đi bộ đeo khẩu trang trong Vườn Tuileries ở Paris, Pháp, ngày 5/1/2022. (Ảnh: REUTERS)
Trong đó có 5.781.769 ca tử vong vì Covid-19. Tổng số ca bình phục đến nay là hơn 320,7 triệu ca, trong khi vẫn còn gần 74 triệu ca đang phải điều trị, gồm gần 90 nghìn ca điều trị tích cực.
Hiện châu Âu là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất, với trên 137,6 triệu ca bệnh và 1,64 triệu ca tử vong. Đứng thứ hai là châu Á với 105,4 triệu ca nhiễm và 1,3 triệu người không qua khỏi, tiếp theo là Bắc Mỹ với 92 triệu ca bệnh và 1,34 triệu ca tử vong.
Đồ họa: TRUNG HƯNG
Trong đó, Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch khi cả số ca mắc và tử vong tại nước này đều ở mức cao nhất thế giới, cụ thể là 78,56 triệu ca mắc (hơn 19,6% số ca toàn cầu) và 932.443 ca tử vong (hơn 16% số ca toàn cầu). Tiếp theo là Ấn Độ với 42,4 triệu ca mắc và 505.308 ca tử vong; Brazil với 26,77 triệu ca mắc và 633.894 ca tử vong.
Đồ họa: TRUNG HƯNG
Trong bối cảnh các ca nhiễm vẫn ở mức cao, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), Tiến sĩ Rochelle Walensky ngày 8/2 nhấn mạnh, hiện “không phải lúc” để bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở các trường học và những nơi công cộng khác.
Trước đó, giới chức ở New Jersey, Connecticut, Delaware, California và Oregon thông tin, các địa phương này có kế hoạch bỏ quy định đeo khẩu trang tại các trường công lập và các không gian trong nhà khác trong những tuần tới.
Tuy nhiên, bà Walensky khẳng định: “Hiện tại, hướng dẫn của CDC vẫn không thay đổi. Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị việc bắt buộc đeo khẩu trang trong trường học và ở những khu vực có khả năng lây nhiễm cao như không gian công cộng trong nhà”.
Xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 tại Los Angeles, California, Mỹ, ngày 12/8/2021. (Ảnh: REUTERS)
Giám đốc CDC cũng bày tỏ "lạc quan một cách thận trọng" về việc các ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ sẽ giảm xuống dưới mức đỉnh điểm. Ngay cả khi tỷ lệ nhiễm giảm đáng kể so với mức cao kỷ lục gần đây, bà Walensky lưu ý rằng Mỹ vẫn đang chứng kiến khoảng 290 nghìn ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày, cùng tỷ lệ nhập viện cao hơn so với đợt đỉnh điểm lây nhiễm ghi nhận trong làn sóng do biến thể Delta vào năm 2021. Bà cũng cánh báo hiện tại, các bệnh viện Mỹ vẫn “quá tải” bởi các ca nhiễm.
Theo bà Walensky, ngay cả khi dịch bệnh giảm bớt, việc giám sát số lượng các ca nhiễm vẫn rất quan trọng, cũng như xét nghiệm nồng độ virus trong hệ thống nước thải như chương trình mà gần đây CDC đã thực hiện. Theo đó, nồng độ virus gia tăng trong nước thải từ 4 đến 6 ngày trước khi các ca nhiễm cũng tăng theo.
Số ca nhiễm và dữ liệu nước thải sẽ được xem là tín hiệu cảnh báo sớm sự gia tăng lây nhiễm sắp xảy ra, bởi vậy bà Walensky kêu gọi người dân Mỹ nên tiếp tục các biện pháp phòng ngừa Covid-19, chẳng hạn như tiêm liều vaccine tăng cường hoặc đeo khẩu trang trong không gian kín.
Trong khi đó, ở châu Âu, trong nỗ lực trở lại cuộc sống bình thường, Chính phủ Italia cùng ngày đã bỏ yêu cầu đeo khẩu trang ở ngoài trời khi tình hình dịch bệnh tại đây đang cho thấy dấu hiện cải thiện.
Theo quy định mới của Bộ Y tế Italia, từ ngày 11/2 cho đến ít nhất là ngày 31/3, người dân nước này sẽ chỉ phải đeo khẩu trang bảo vệ ở những khu vực đông người và tại các địa điểm công cộng trong nhà.
Kiểm tra "Siêu thẻ xanh" trước khi lên tàu tại ga tàu chính Termini ở Rome, Italia, ngày 10/1/2022. (Ảnh: REUTERS)
Trước đó, Chính phủ Italia cũng đặt mục tiêu tăng giới hạn số người tham dự các sự kiện thể thao tại các sân vận động từ ngày 1/3. Theo đó, Italia dự định nâng trần giới hạn người tham dự tại các sân vận động ngoài trời lên 75% công suất sân và 60% cho các sân trong nhà. Giới hạn hiện lần lượt là 50% công suất cho sân ngoài trời và 35% cho sân trong nhà.
Tỷ lệ nhiễm mới và nhập viện vì Covid-19 tại Italia đã giảm dần trong những tuần gần đây, nhưng số người tử vong trong dịch bệnh vẫn ở mức cao, với khoảng 300-450 trường hợp trong hầu hết các ngày gần đây.
Trong khi đó, giới chức y tế Đức cho biết, một số bang của nước này đang lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng dịch dù số ca mắc mới gia tăng, do những lo ngại về nguy cơ biến thể Omicron gây áp lực lên hệ thống y tế đang giảm dần. Đức thông báo 95.267 ca nhiễm mới trong ngày 7/2, tăng 22% so với cách đây 1 tuần, song tỷ lệ nhập viện tính trên 100 nghìn dân trong 7 ngày gần nhất đã giảm xuống mức 5,4, mức thấp nhất trong vòng hơn 2 tháng qua.
Ở châu Á, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc sáng 9/2 cho biết, nước này đã ghi nhận mức cao kỷ lục số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, với 49.567 ca mắc mới, nhưng số ca tử vong mới vẫn ở mức thấp với thêm 21 ca.
Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) ngày 8/2 thông báo trường hợp tử vong đầu tiên có khả năng liên quan đến Covid-19 trong vòng 5 tháng qua, trong bối cảnh đặc khu này đang phải đối mặt với đợt bùng phát ngày càng trầm trọng.
Các nhân viên y tế chuyển người cao tuổi lên xe cấp cứu đến cơ sở cách ly, Hong Kong, Trung Quốc, ngày 22/1/2022. (Ảnh: REUTERS)
Theo Cơ quan quản lý các cơ sở y tế của Hong Kong, ca tử vong là 1 cụ ông 73 tuổi mắc bệnh mãn tính và đã có kết quả xét nghiệm sơ bộ dương tính với virus SARS-CoV-2 trong quá trình nhập viện.
Hong Kong đã báo cáo khoảng 16.600 ca nhiễm kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm 2020. Trong 24 giờ qua, đặc khu này ghi nhận 625 ca mắc Covid-19, trong đó đa số là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày thứ hai liên tiếp đặc khu này ghi nhận trên 600 ca mắc mới trong 1 ngày.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chính quyền đặc khu đã công bố biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, với việc cấm tụ tập nhiều hơn 2 người, đóng cửa trường học, sân chơi, phòng tập thể dục và hầu hết các địa điểm khác. Nhà hàng phải đóng cửa từ 6 giờ tối, trong khi các cuộc tụ tập riêng tại nhà cũng bị hạn chế. Các chuyến bay giảm khoảng 90% do các hạn chế đi lại, trong khi hầu hết công chức đang làm việc từ xa.
Tại Đông Nam Á, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte 1 lần nữa kêu gọi người dân nước này đi tiêm vaccine ngừa Covid-19. Trong ngày 8/2, Philippines ghi nhận thêm 3.574 ca nhiễm mới, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2022 đến nay, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 3.619.633 ca. Quốc gia này cũng ghi nhận thêm 83 ca tử vong, đưa tổng số người không qua khỏi vì dịch bệnh lên 54.621 người.
Tại Indonesia, giới chức nước này cho biết, chính phủ chưa áp dụng lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp, dù số ca nhiễm biến thể Omicron đang tăng vọt. Indonesia ưu tiên tự cách ly và cách ly tập trung đối với các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, đồng thời dành giường bệnh để điều trị cho người già hoặc những người mắc bệnh nền.
Trong bối cảnh làn sóng biến thể Omicron đang ảnh hưởng mạnh đến Malaysia, Bộ Thương mại và Công nghiệp quốc tế (MITI) nước này tái khẳng định, chính phủ sẽ không đóng cửa hoàn toàn các lĩnh vực kinh tế và công nghiệp 1 lần nữa. Trong khi đó, Hội đồng Phục hồi Quốc gia (NRC) ngày 8/2 cho biết, đã đề nghị mở cửa trở lại hoàn toàn các cửa khẩu biên giới quốc tế, sớm nhất là từ ngày 1/3 tới đây. Theo đó, người nhập cảnh không phải thực hiện bất kỳ quy định cách ly nào.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/so-ca-mac-covid-19-tren-toan-cau-vuot-moc-400-trieu-685058/