Việc sử dụng năng lượng xanh đang dần trở thành xu thế tất yếu toàn cầu, nhất là trong bối cảnh các nước ngày càng đề cao vấn đề bảo vệ môi trường và đối phó biến đổi khí hậu.
Hệ thống pin mặt trời được lắp đặt tại sa mạc Atacama của Chile. (Ảnh REUTERS).
Khu vực Mỹ Latin và Caribe sở hữu nhiều tiềm năng thu hút đầu tư vào các dự án năng lượng sạch, từ đó góp phần nâng cao đời sống người dân cũng như thúc đẩy kinh tế các quốc gia trong khu vực.
Theo tính toán, năng lượng xanh tại Mỹ Latin và Caribe có thể chiếm đến hơn 26% tổng nguồn cung cấp năng lượng chính. Đây là một trong những khu vực có tỷ lệ năng lượng tái tạo cao nhất thế giới. Nhiều sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu, cũng như tận dụng các nguồn năng lượng sạch vô tận mà thiên nhiên mang lại.
Tại Ecuador, thị trường điện nhà nước của quốc gia này thời gian gần đây trở nên sôi động khi hàng loạt quốc gia, gồm Mexico, Honduras, Panama, Colombia, Tây Ban Nha và Pháp, cạnh tranh gói thầu trị giá 875 triệu USD cho dự án sản xuất điện từ năng lượng tái tạo. Đầu tháng 2 này, tại bang La Guajira (La Goa-hi-ra) thuộc miền Tây Bắc Colombia, công viên điện gió Guajira 1 lớn nhất quốc gia Nam Mỹ với công suất 20 MW chính thức đi vào hoạt động, ước tính mỗi năm cung cấp năng lượng sạch cho hơn 33.000 hộ và cắt giảm khoảng 136 tấn khí thải CO2.
Theo Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB), với sản lượng đạt 1,3 PWh (1,3 nghìn tỷ kWh) năm 2010 và nhu cầu ước đạt 3,5 PWh vào năm 2050, Mỹ Latin và Caribe có tiềm năng điện tái tạo lớn gấp 22 lần so nhu cầu đến giữa thế kỷ 21, lên tới 80 PWh. Trong đó, quang điện chiếm nhiều nhất với 41%, năng lượng mặt trời tập trung chiếm 21%, tiếp đến lần lượt là năng lượng gió biển, năng lượng biển, địa nhiệt, gió mặt đất và sinh khối. Nguyên Bộ trưởng Môi trường và Năng lượng Costa Rica René Castro (Rê-nế Ca-xtơ-rô) khẳng định, Mỹ Latin và Caribe có tiềm năng khổng lồ trong phát triển điện gió và mặt trời, bên cạnh các nguồn năng lượng của tương lai như hydrogen, khí sinh học hay amoniac xanh trong giao thông.
Tài nguyên để đầu tư tại các quốc gia đã có sẵn, vấn đề hiện nay là những điều chỉnh phù hợp về khung pháp lý và lựa chọn loại năng lượng thu hút đầu tư chủ đạo, như trường hợp của Chile và Costa Rica có tiềm năng phát triển năng lượng hydrogen nhanh chóng. Theo ông Castro, việc các hệ thống phi tập trung sử dụng năng lượng mặt trời kết hợp khí sinh học hoặc các nhà máy thủy điện nhỏ sẽ mở ra cơ hội tiếp cận nguồn điện với khoảng 18 triệu người dân Mỹ Latin và Caribe.
Số liệu của IDB cũng chỉ ra, với chi phí thấp và công nghệ hiện đại, năng lượng mặt trời và năng lượng gió hoàn toàn có thể cạnh tranh với năng lượng hóa thạch. Giáo sư ngành sinh thái chính trị Cecilia Requena (Xê-xi-li-a Rê-kê-na) thuộc Đại học San Andres của Bolivia phân tích, việc phi tập trung lưới điện tạo cơ hội lớn cho khu vực vùng sâu, vùng xa, những nơi thiếu điện do chi phí lắp đặt lưới điện quá cao so lợi nhuận. Tại đây, nếu khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, chất lượng cuộc sống người dân sẽ được cải thiện đáng kể, đồng thời tạo ra thay đổi hướng tới một mạng lưới năng lượng ít khí thải và thân thiện hơn với môi trường.
Đại dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế và đời sống người dân các quốc gia Mỹ Latin và Caribe. Sự phục hồi của khu vực này sau đại dịch diễn ra khá chậm, ước tính khoảng 50% số hộ gia đình chưa thể trở lại mức thu nhập trước đại dịch. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), thời gian tới, chính phủ các quốc gia trong khu vực cần chú trọng đầu tư hơn nữa vào giáo dục và cơ sở hạ tầng, song song đổi mới hệ thống năng lượng quốc gia dựa trên năng lượng tái tạo để bảo đảm tăng trưởng bền vững.
HUY VŨ/nhandan.vn