Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết thế giới đã ghi nhận thêm nửa triệu ca tử vong vì Covid-19 kể từ khi xuất hiện biến thể Omicron của virus SARS-COV-2. WHO nhấn mạnh con số này “còn hơn cả bi kịch”.
Theo kênh truyền hình NDTV ngày 9-2, bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19 cho rằng số ca nhiễm biến thể Omicron đã ghi nhận cho đến nay là một con số “gây choáng váng”, nhưng con số thực có thể còn cao hơn nhiều. Bà Kerkhove bày tỏ đặc biệt quan ngại về tình trạng số ca tử vong vì Covid-19 liên tục tăng trong vài tuần gần đây. “Các đỉnh dịch trước đây hầu như đã bị san phẳng. Chúng ta vẫn ở giữa đại dịch. Nhiều quốc gia vẫn chưa qua đỉnh dịch do biến thể Omicron. Virus SARS-COV-2 đang tiếp tục trở nên nguy hiểm”, bà Kerkhove nêu rõ.
Trong khi đó, ông Abdi Mahamud, Giám đốc quản lý sự cố của WHO cho biết đã ghi nhận 130 triệu ca nhiễm mới và 500.000 ca tử vong trên toàn thế giới kể từ khi biến thể Omicron được tuyên bố là biến thể đáng lo ngại vào cuối tháng 11 năm ngoái. Kể từ đó, Omicron đã vượt Delta trở thành biến thể chủ đạo trong đại dịch Covid-19 trên thế giới vì khả năng lây lan nhanh hơn cho dù có vẻ gây bệnh ít nghiêm trọng hơn.
Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19 cho rằng số ca nhiễm biến thể Omicron “gây choáng váng”. Ảnh: Reuters |
“Trong bối cảnh đã có các loại vaccine hiệu quả, vẫn có tới nửa triệu người tử vong. Đó thực sự là điều đáng chú ý. Trong khi mọi người đều nói rằng biến thể Omicron gây bệnh ít nghiêm trọng hơn, họ đã bỏ qua một thực tế là nửa triệu người đã tử vong kể từ khi biến thể này được phát hiện. Con số này còn hơn cả bi kịch”, ông Mahamud khẳng định.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến ngày 9-2, thế giới đã ghi nhận hơn 401 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó hơn 321,3 triệu ca đã bình phục và hơn 5,7 triệu người đã tử vong. Trong bản cập nhật dịch tễ học hàng tuần về Covid-19, WHO xác định biến thể Omicron tiếp tục lây lan nhanh trên toàn cầu và hiện biến thể này đã được ghi nhận ở hầu hết các quốc gia. WHO cũng nhấn mạnh các mũi tiêm tăng cường đã cải thiện đáng kể hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine ngừa Covid-19. AFP cho biết, đến nay, gần 10,25 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 đã được sử dụng trên phạm vi toàn cầu.
Cùng ngày, Reuters đưa tin, sáng kiến toàn cầu “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19” (ACT-Accelerator) mới chỉ nhận được số tiền đóng góp ít ỏi cho việc thực hiện các mục tiêu trong năm 2022. Sáng kiến bao gồm cả chương trình COVAX này tập trung vào việc tiếp cận công bằng với vaccine ngừa Covid-19, cung cấp các xét nghiệm và phương pháp điều trị cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cùng trang bị bảo hộ cá nhân cho đội ngũ nhân viên y tế.
ACT-Accelerator dự tính cần 23,4 tỷ USD để triển khai thực hiện mục tiêu từ tháng 10-2021 đến tháng 9-2022, trong đó hy vọng nhận được khoản đóng góp 16,8 tỷ USD từ các nước giàu. Tuy nhiên, cho đến nay, ACT-Accelerator mới chỉ nhận được 814 triệu USD. Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown, Đại sứ toàn cầu về tài chính y tế của WHO đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia tài trợ cho sáng kiến này theo một mô hình “chia sẻ công bằng” dựa trên quy mô nền kinh tế từng nước, giống như cách thức tài trợ cho lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
“Đó là con số rất nhỏ so với những gì chúng ta cần. Đã đến lúc phải thức tỉnh lương tri của thế giới”, Reuters dẫn lời ông Brown.
HOÀNG VŨ/qdnd.vn