Truyền thông địa phương Ukraine đưa tin hàng loạt nhà tài phiệt đã rời khỏi nước này trong bối cảnh Kiev cân nhắc khả năng từ bỏ gia nhập NATO.
Báo Ukrayinska Pravda ngày 13-2 cho biết khoảng 20 chuyến bay thuê chuyến và tư nhân đã cất cánh từ thủ đô Kiev chỉ riêng trong ngày này.
Trong những ngày gần đây, hàng loạt doanh nhân, bao gồm cả người đàn ông giàu nhất Ukraine, được cho là đã rời khỏi đất nước.
Ukrayinska Pravda tiết lộ một trong những chiếc máy bay tư nhân rời Ukraine ngày 13-2 thuộc sở hữu của ông Rinat Akmetov, người giàu nhất Ukraine. Tạp chí Forbes ước tính giá trị tài sản ròng của ông Akmetov vào khoảng 7,1 tỉ USD. Ông Akmetov được báo cáo rời Ukraine từ ngày 30-1, theo tờ báo này.
Quân đội Ukraine tập trận ở Donetsk, miền Đông nước này ngày 10-2. Ảnh: AP
Người đàn ông giàu thứ hai Ukraine, Victor Pinchuk, cũng rời khỏi đất nước vào cuối tháng trước. Một số nhân vật khác được Ukrayinska Pravda nêu tên là chính trị gia kiêm doanh nhân nổi tiếng Vadym Noveynskyi (ước tính giá trị tài sản ròng 1,3 tỉ USD), người đàn ông giàu thứ chín Ukraine Oleksandr Yaroslavsky, cựu nghị sĩ Verkhovna Rada, doanh nhân Vadim Stolar và nhiều người nằm trong danh sách "100 người giàu nhất Ukraine" của Forbes.
Ukrayinska Pravda cho biết thêm một số chính trị gia Ukraine cũng tìm cách rời khỏi đất nước. Theo đó, đại diện Đảng Vì cuộc sống đối lập kiêm doanh nhân Igor Abramovych được cho là đã đặt một chiếc máy bay tư nhân dành cho 50 người đến Vienna - Áo.
Tuy nhiên, doanh nhân Borys Kolesnikov - được Ukrayinska Pravda cho biết rời Ukraine vào ngày 13-2 - tuyên bố báo cáo đó là "giả" vì ông "đang ở thủ đô Kiev và sẽ không đi đâu cho đến ngày 1-3".
Người phát ngôn của doanh nhân Andrey Stavnitser nói với ấn phẩm trực tuyến Cenzor.net rằng ông Stavnitser đi công tác ở Dubai và sẽ trở về Ukraine "trong tương lai" chứ không phải "bỏ trốn".
Hệ thống phòng không S-400 của Nga trong cuộc tập trận chung với Belarus ngày 10-2. Ảnh: AP
Trong khi đó, Đại sứ Ukraine tại Anh Vadym Prystaiko ngày 13-2 cho biết Kiev đang tìm kiếm "cách tốt nhất" để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại. Khi được đài BBC hỏi về khả năng từ bỏ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để "ngăn chặn một cuộc chiến", ông Prystaiko trả lời: "Chúng tôi có thể làm như vậy, đặc biệt là khi chúng tôi bị đe dọa và đẩy vào tình thế đó".
Ông Prystaiko cũng phàn nàn việc Ukraine không phải là thành viên của bất kỳ liên minh quân sự nào, đồng thời lưu ý Kiev có thể phải đối mặt với tình cảnh đơn độc nếu khủng hoảng leo thang thành xung đột quân sự.
Phạm Nghĩa/nld.com.vn