Reuters đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23/3 đã lên đường đến Brussels (Bỉ) tham dự cuộc họp bất thường với các lãnh đạo các nước thành viên NATO.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Ảnh: Reuters)
Hội nghị cấp cao NATO diễn ra hôm nay (ngày 24/3), cùng thời điểm với các hội nghị cấp cao của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu (EU), cũng được tổ chức tại Brussels. Chủ đề thảo luận chính tại các hội nghị được cho là tập trung vào tình hình tại Ukraine, xem xét siết chặt và cân nhắc bổ sung các biện pháp trừng phạt Nga.
Người phát ngôn của Tổng thống Ukraine xác nhận Tổng thống Volodymyr Zelensky tham gia và có bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao NATO. Truyền thông Ukraine cho biết, trong bài phát biểu theo hình thức trực tuyến, nhà lãnh đạo Ukraine sẽ đề cập đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, cũng như kêu gọi sự hỗ trợ của NATO nhằm sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng này.
Trước thềm hội nghị cấp cao NATO, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã thảo luận về hỗ trợ nhân đạo và an ninh cho Ukraine, cũng như nỗ lực nhằm tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ của NATO, nhất là ở sườn phía Ðông. Ông Blinken cũng trao đổi ý kiến với người đồng cấp Pháp về những nỗ lực của các đồng minh NATO và các đối tác trong EU nhằm cung cấp hỗ trợ an ninh và viện trợ nhân đạo cho Ukraine.
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 23/3 công bố kế hoạch để bảo đảm những người sơ tán khỏi Ukraine có quyền tiếp cận việc làm, giáo dục và nhà ở, đặc biệt tập trung vào trẻ em. Theo EC, gần 3,4 triệu người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, từ Ukraine đã đến EU.
Trong khi đó, theo TASS, bộ phận báo chí của Ðại sứ quán Nga tại Mỹ dẫn lời Ðại sứ Anatoly Antonov nhấn mạnh, việc các nước chuyển khí tài quân sự cho Ukraine và đưa lính đánh thuê nước ngoài vào lãnh thổ Ukraine là hành động vô trách nhiệm và cực kỳ nguy hiểm. Ðại sứ khẳng định, việc quân sự hóa Ukraine trực tiếp đe dọa an ninh châu Âu và toàn cầu.
Trả lời phỏng vấn CNN, người phát ngôn Ðiện Kremlin Dmitry Peskov một lần nữa nhấn mạnh rằng, chiếm đóng Ukraine không phải là mục tiêu của Nga. Quan chức Nga cũng nêu rõ, trong nhiều năm qua các nước phương Tây đã cố tình phớt lờ lo ngại của Nga về vấn đề
an ninh.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 vẫn ở mức dương, tuy nhiên một số nền kinh tế yếu có thể rơi vào suy thoái. Trong dự báo đưa ra hồi tháng 1/2022, IMF nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 đạt 4,4%. Tuy nhiên, IMF sắp tới có thể điều chỉnh giảm trong bối cảnh giá năng lượng và lương thực tăng cao do xung đột tại Ukraine và các biện pháp trừng phạt Nga.
Phó Tổng Giám đốc IMF Gita Gopinath cho rằng, tác động của nguy cơ Nga không thanh toán được nợ nước ngoài đối với hệ thống tài chính toàn cầu sẽ chỉ ở mức "hạn chế". Bà Gopinath nhận định, nếu xảy ra vỡ nợ, đó không phải là nguy cơ mang tính hệ thống đối với nền kinh tế toàn cầu, dù một số ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/thegioi/thuc-day-doi-thoai-ve-tinh-hinh-ukraine-690389/