Chỉ huy lực lượng Ukraine tại “điểm nóng” Mariupol yêu cầu quốc tế giúp sơ tán binh sĩ và dân thường trong bối cảnh thành phố cảng chiến lược này bị “vây ráp nguy khốn”.
"Tôi có một tuyên bố với thế giới. Đây có thể là tuyên bố cuối cùng bởi chúng tôi chỉ còn vài ngày, thậm chí vài giờ nữa" - Thiếu tá Serhii Volyna, chỉ huy Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 36 của Ukraine tại Mariupol, nói chuyện qua điện thoại với CNN tối 19-4. "Chúng tôi kêu gọi các lãnh đạo thế giới đưa binh sĩ và dân thường đến lãnh thổ quốc gia thứ ba và đảm bảo an toàn cho chúng tôi".
Chỉ huy của Ukraine cho biết ngoài binh sĩ còn hàng trăm dân thường đang mắc kẹt trong nhà máy luyện kim Azovstal, trong khi nguồn cung cấp thực phẩm và nước đang cạn kiệt, lại bị pháo kích dữ dội. Tuy nhiên, ông Serhii Volyna từ chối tiết lộ số binh sĩ Ukraine còn đang ẩn nấu bên trong nhà máy.
Nhà máy Azovstal, được mô tả như một pháo đài trong TP Mariupol, nằm trong khu công nghiệp nhìn ra biển Azov. Nhà máy luyện kim này có diện tích hơn 11 km vuông, gồm nhiều tòa nhà, các lò cao và cả đường ray.
Lực lượng bảo vệ Mariupol gồm lính thủy đánh bộ Ukraine, lữ đoàn cơ giới, lữ đoàn Vệ binh Quốc gia và Trung đoàn Azov (một lực lượng dân quân do những người theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu thành lập và sau này được hợp nhất thành Vệ binh Quốc gia Ukraine), theo RT của Nga.
Thiếu tá Serhii Volyna, chỉ huy Lữ đoàn thủy quân lục chiến 36 của Ukraine. Ảnh: Washington Post.
Chỉ huy Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 36 của Ukraine mô tả tình hình tại Mariupol "vô cùng nguy cấp" với nhiều binh sĩ bị thương nhưng không được chăm sóc y tế.
"Chúng tôi bị bao vây hoàn toàn" - Thiếu tá Serhii Volyna nhấn mạnh - "Có khoảng 500 quân nhân bị thương và những vết thương đã thối rữa nhưng không được chăm sóc y tế. Có cả thường dân và họ cũng đang phải hứng chịu các trận oanh tạc và pháo kích".
Tuy nhiên, chỉ huy lực lượng Ukraine tại Mariupol cũng nhấn mạnh họ sẽ "chiến đấu đến cùng dù biết còn rất ít thời gian".
Khi được phóng viên CNN hỏi làm thế nào việc sơ tán có thể được tạo điều kiện thuận lợi, thiếu tá Volyna nhấn mạnh: "Điều này phụ thuộc vào mức độ của các thỏa thuận. Chẳng hạn, một con tàu với trực thăng có thể đón chúng tôi. Hoặc một nhiệm vụ nhân đạo quốc tế có thể diễn ra và đảm bảo an ninh cho chúng tôi, đưa chúng tôi đến với quốc gia sẽ thực hiện các cam kết như vậy".
Cuối cùng, chỉ huy Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 36 của Ukraine tin tưởng với sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ hay sự giúp đỡ từ phía Tổng thống Mỹ Joe Biden, sẽ giúp họ được sơ tán sang nước thứ ba và được an toàn.
Những yêu cầu của Thiếu tá Serhii Volyna diễn ra trong bối cảnh trước đó giới chức Nga đã nhiều lần ra "tối hậu thư" yêu cầu lực lượng Ukraine tại Mariupol hạ vũ khí để được "bảo toàn tính mạng".
Một tòa chung cư bị phá huỷ ở Mariupol hôm 14-4. Ảnh: Reuters
Hơn 200 cựu quan chức Liên Hiệp Quốc lên tiếng
Hơn 200 cựu quan chức cấp cao của Liên Hiệp Quốc đã viết thư ngỏ kêu gọi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres phải đi đầu trong việc chấm dứt xung đột tại Ukraine.
Các cựu quan chức Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh họ muốn Liên Hiệp Quốc phải giữ vai trò trung tâm trong việc lập lại hòa bình ở Ukraine, bên cạnh các hoạt động về nhân đạo.
"Chúng tôi muốn thấy một chiến lược rõ ràng để thiết lập lại hòa bình, bắt đầu bằng một lệnh ngừng bắn tạm thời và sử dụng năng lực của Liên Hiệp Quốc để hòa giải và giải quyết xung đột" - báo Anh Guardian trích dân thư ngỏ có đoạn - "Điều đó có thể bao gồm các chuyến thăm đến các khu vực xảy ra xung đột, thảo luận với các bên. Thậm chí, có chuyển Văn phòng (Liên Hiệp Quốc) tạm thời sang châu Âu, gần hơn với các cuộc đàm phán cần thiết khẩn cấp và qua đó cho thấy quyết tâm của Liên Hiệp Quốc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng lớn này".
Bằng Hưng/nld.com.vn