Ngoài thách thức trong nước, Tổng thống Emmanuel Macron còn đương đầu với những khó khăn đến từ tham vọng cải cách Liên minh châu Âu và duy trì thế cân bằng trong xung đột Nga - Ukraine
Chiến thắng của đương kim Tổng thống Emmanuel Macron trong vòng bỏ phiếu thứ hai của cuộc bầu cử tổng thống Pháp được đánh giá là "sự giải thoát" cho tất cả những ai lo sợ cảnh hỗn loạn chính trị cả ở Pháp lẫn bên ngoài nước này, sau quá nhiều sự kiện gây đảo lộn những năm gần đây như Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), nhiệm kỳ tổng thống Mỹ của ông Donald Trump và sự trỗi dậy của thế hệ lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc mới.
Báo giới quốc tế mô tả người ủng hộ ông Macron bùng nổ niềm vui đêm 24-4 (giờ địa phương) khi kết quả hiện lên trên màn hình khổng lồ đặt tại công viên Champ de Mars gần tháp Eiffel. Các nhà lãnh đạo từ Liên minh châu (EU), Đức, Anh… nhanh chóng gửi lời chúc mừng ông chủ Điện Elysee.
Sau khi kiểm đếm gần như toàn bộ, Bộ Nội vụ Pháp cho biết ông Macron giành được 58,6% số phiếu, còn bà Marine Le Pen, ứng viên của Đảng Tập hợp dân tộc (RN), nhận 41,4% - mức cao nhất trong 3 lần tranh cử tổng thống thất bại của nữ thủ lĩnh cực hữu này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫy chào người ủng hộ ở thủ đô Paris đêm 24-4, sau khi đắc cử nhiệm kỳ thứ hai Ảnh: REUTERS
Vậy là Tổng thống Macron đã vượt qua một chặng đường khó khăn, bây giờ là chặng đường… khó khăn hơn, theo nhận định của Reuters.
Thử thách tiếp theo sẽ đến sau một vài tuần nữa: Cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 6 tới. Từ đây sẽ định hình chính phủ mà Tổng thống Macron phải dựa vào để tiếp tục những kế hoạch cải cách nhạy cảm của ông giữa lúc tình hình phúc lợi của Pháp chao đảo dữ dội.
Ông Pierre Haski, nhà bình luận chính trị kỳ cựu của Pháp, nói với đài Al Jazeera về "thế chân vạc" mới trên chính trường Pháp: "Khối trung dung có Tổng thống Macron, hiện chiếm ưu thế, cánh hữu có bà Le Pen, cánh tả có ông Jean-Luc Melenchon vốn đứng thứ ba sau vòng bỏ phiếu đầu tiên. (…) Ông Macron phải có được thế đa số tại quốc hội, nếu không, ông ấy sẽ vướng vào cảnh căng thẳng với thủ tướng".
Chưa rõ ai sẽ trở thành tân thủ tướng Pháp song nhân vật cực tả Melenchon - lãnh đạo phong trào "La France Insoumise" (tạm dịch: Nước Pháp bất khuất) - nửa đùa nửa thật rằng Tổng thống Macron nên đặt ông vào vị trí đó.
Về phần mình, bà Le Pen tự tin về một khối đối lập mạnh mẽ trong quốc hội, theo Reuters. Tuy bà Le Pen thua cuộc song ngay cả những đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Macron cũng khẳng định ông phải rút ra bài học từ việc phe cực hữu Pháp đột phá "mức trần" 40% số phiếu trong trong cuộc bầu cử tổng thống.
Trong bài diễn văn mừng chiến thắng, bản thân ông Macron thừa nhận mức sống của nhiều người Pháp đang tuột dốc và hứa sẽ "đối diện với sự giận dữ và bất đồng đã khiến nhiều cử tri Pháp bỏ phiếu cho phe cực hữu". Cam kết mình là "tổng thống của mọi người", vị tổng thống 44 tuổi nhấn mạnh: "Sẽ không có ai ở Pháp bị gạt ra bên lề".
Tuy nhiên, theo Reuters, ngay cả khi ông Macron giành được thế đa số tại quốc hội, ông cũng phải đối mặt sự kháng cự tiềm tàng từ đường phố đối với những kế hoạch cải cách của mình, nhất là ý định tăng dần tuổi nghỉ hưu tối thiểu từ 62 lên 65 - một vấn đề cực kỳ nóng bỏng trong xã hội Pháp.
Có khả năng gây hỗn loạn không kém là chuyện giá năng lượng leo thang. Hiện thời, chính phủ của ông Macron hỗ trợ người dân về giá điện và giá xăng dầu. Tuy nhiên, ai cũng biết hoạt động này sớm muộn gì cũng phải chấm dứt trong khi những phàn nàn về giá dầu hướng dương, gạo, bánh mì… tăng cao đang lan rộng.
Năm 2018, giá xăng tăng đã kích hoạt "Áo ghi-lê vàng", cuộc biểu tình bạo loạn tồi tệ nhất ở Pháp kể từ năm 1968. "Áo ghi-lê vàng" cùng những bất ổn do Brexit, đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng Ukraine đã gây khó khăn cho nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Macron.
HẢI NGỌC/nld.com.vn
https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/thang-cu-tong-thong-macron-con-nhieu-noi-lo-20220425210027171.htm