Tình trạng tấn công mạng bằng mã độc, ăn cắp dữ liệu... dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng về nhiều mặt đối với mỗi cá nhân và quốc gia. Cuộc chiến chống lại mối đe dọa an ninh mạng ngày càng được các nước chú trọng hơn, với hàng loạt biện pháp quyết liệt, chặt chẽ, nhằm xây dựng “tấm lá chắn” vững vàng bảo vệ người dân trên không gian mạng.
Trụ sở của Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) tại Hà Lan. (Ảnh REUTERS)
Raidforums, một diễn đàn tin tặc lớn trên thế giới, mới đây đã bị lực lượng an ninh châu Âu đánh sập. Diễn đàn tin tặc này gồm hơn nửa triệu thành viên, chuyên khai thác và rao bán dữ liệu thẻ tín dụng bị đánh cắp cũng như quyền truy cập tài khoản. Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) cho biết, các nhà điều tra quốc tế đã tịch thu hạ tầng cơ sở của diễn đàn bất hợp pháp RaidForums và bắt giữ quản trị viên cùng hai đồng phạm của “chợ” trực tuyến này.
Hoạt động nêu trên là một phần của chiến dịch đột kích với sự phối hợp của các nhà điều tra Mỹ, Anh, Thụy Điển, Romania, Bồ Đào Nha và Đức. Chiến dịch này đã được chuẩn bị trong một năm và do các chuyên gia tội phạm mạng của Europol điều phối.
Cùng với việc đẩy mạnh các biện pháp an ninh để loại bỏ những thủ đoạn, hành vi phạm tội trên không gian mạng, châu Âu cũng chú trọng biện pháp về mặt pháp lý, góp phần xây dựng “lá chắn” vững chắc trước các mối đe dọa an ninh mạng. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về sự gia tăng của các cuộc tấn công mạng, gây gián đoạn nhiều hoạt động quan trọng, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất Liên minh châu Âu (EU) đưa ra một khuôn khổ để quản lý rủi ro an ninh mạng tại các cơ quan của EU.
Ủy viên Ngân sách châu Âu Johannes Hahn (G.Han) cho biết, trong một môi trường kết nối, chỉ cần một sự cố an ninh mạng đơn lẻ cũng có thể ảnh hưởng tới toàn bộ liên minh, do đó, điều quan trọng hiện nay là ngăn chặn mọi mối đe dọa về an ninh mạng. Trước đó, các bộ trưởng EU cũng kêu gọi thành lập quỹ ứng phó khẩn cấp về an ninh mạng để chống lại những vụ tấn công mạng quy mô lớn.
Đối phó các loại tội phạm trên không gian mạng là nhiệm vụ của không riêng quốc gia nào. Mỹ đã từng chủ trì hội nghị trực tuyến nhằm kêu gọi các nước chiến đấu chống mã độc tống tiền và các nguy cơ đe dọa an ninh mạng khác. Các cơ quan an ninh mạng của “xứ cờ hoa” gần đây cảnh báo, hệ thống hạ tầng cơ sở trọng yếu có thể bị tin tặc tấn công bởi một số tin tặc có trình độ tiên tiến có khả năng kiểm soát loạt thiết bị giúp vận hành nhà máy điện và nhà máy sản xuất.
Tại Israel, tình trạng gia tăng các vụ tấn công mạng đang là vấn đề khiến giới chức nước này đau đầu. Trong năm 2021, Israel ghi nhận sự gia tăng đáng kể về số lượng các vụ tấn công người dùng thông qua thiết bị máy tính và điện thoại, trong đó, hơn 30% số vụ là nhằm vào tài khoản mạng xã hội và thư điện tử. Còn ở Nhật Bản, mới đây, một nhóm tội phạm mạng tuyên bố đã đánh cắp thông tin mật của Denso, nhà cung cấp chính của tập đoàn sản xuất ô-tô Toyota.
Trong khi đó, Canada cho biết, mạng máy tính của Hội đồng Nghiên cứu quốc gia (NRC) đã bị tấn công, chỉ hai tháng sau khi Bộ Các vấn đề toàn cầu của nước này hứng chịu một vụ tấn công khiến quyền truy cập Internet của Bộ này gặp trục trặc suốt hơn bốn tuần.
Sự hoành hành của đại dịch Covid-19 dẫn đến xu hướng tăng cường ứng dụng công nghệ số đã tạo “mảnh đất màu mỡ” cho tội phạm mạng với các hành vi như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tấn công mạng, ăn cắp thông tin cá nhân... Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan (G.Xu-li-vân) từng nêu rõ, không một quốc gia hay một tổ chức nào có thể đơn lẻ giải quyết vấn đề tội phạm mạng. Bảo đảm an ninh mạng là một vấn đề xuyên quốc gia và cấp thiết, đòi hỏi sự chung tay phối hợp giải quyết của các nước.
Bảo Bình/nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/quyet-liet-bao-ve-an-ninh-mang-694903/