Ngày 4-5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã công bố đề xuất gói trừng phạt mới nhằm vào Nga.
Đây là gói trừng phạt thứ 6 mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với Nga kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Trong bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, miền đông nước Pháp, ngoài tuyên bố lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga, bà Ursula von der Leyen cũng đề xuất việc loại bỏ ngân hàng lớn nhất nước này Sberbank cùng Ngân hàng tín dụng Moscow và Ngân hàng Nông nghiệp Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, đồng thời áp đặt lệnh cấm 3 đài truyền hình nhà nước Nga phát sóng ở châu Âu. CNN dẫn lời phát biểu của Chủ tịch EC cho hay: “Chúng tôi bảo đảm thực hiện việc loại bỏ dầu nhập khẩu từ Nga theo đúng quy trình, nhằm mục đích tối đa hóa áp lực lên quốc gia này, đồng thời giảm thiểu tác động đến nền kinh tế của chính các nước EU".
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen công bố đề xuất gói trừng phạt mới nhằm vào dầu mỏ của Nga. Ảnh: European Parliament. |
Tin tức về phát biểu của bà Ursula von der Leyen ngay lập tức đã tác động tiêu cực tới thị trường dầu mỏ thế giới. Giá dầu Brent giao sau tăng 3% lên 108USD/thùng. Giá dầu đã tăng khoảng 40% kể từ đầu năm nay do lo ngại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine sẽ gây ra cú sốc về nguồn cung, thúc đẩy lạm phát và áp lực chồng chất lên các nền kinh tế châu Âu.
Trước đó, các nước EU đã đồng ý loại bỏ dần việc nhập khẩu than của Nga, tuy nhiên các nước trong khối khó đạt được sự đồng thuận về các lệnh trừng phạt dầu mỏ dù đã trải qua nhiều tuần đàm phán. Hungary mới đây đã nhắc lại việc nước này phản đối lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto ngày 3-5 tuyên bố quốc gia này sẽ không ủng hộ những biện pháp trừng phạt dầu mỏ bởi nó sẽ khiến các chuyến hàng dầu mỏ-khí đốt của Nga không thể tới Hungary. Slovakia cũng cho biết nước này sẽ tìm kiếm quyền miễn trừ đối với bất kỳ lệnh cấm vận dầu mỏ nào của Nga, vốn được EU chấp thuận trong khuôn khổ một loạt biện pháp trừng phạt áp đặt đối với Moscow. Còn Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Czech Jozef Sikela thì cho rằng EU áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga song lại không đưa ra được các kế hoạch chia sẻ gánh nặng về nguồn cung nhiên liệu thay thế cho các nước thành viên.
Đề xuất về gói trừng phạt mới nhất này của EU, một khi được tất cả 27 nước thành viên thông qua, sẽ được áp dụng vào cuối năm nay, góp phần gây thêm áp lực lên nền kinh tế trị giá 1,8 nghìn tỷ USD của Nga-vốn đã bị vùi dập bởi các đòn trừng phạt kinh tế nặng nề của Mỹ và các nước phương Tây. Theo đó, EC đề xuất loại bỏ nguồn cung dầu thô của Nga trong vòng 6 tháng tới và loại bỏ các sản phẩm tinh chế vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, EU vẫn chưa nhắm đến việc cấm vận khí đốt tự nhiên của Nga, vốn được sử dụng vào việc sưởi ấm và sản xuất điện trên toàn khối EU.
Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới và năm ngoái chiếm khoảng 27% lượng dầu nhập khẩu của EU. Hiện Mỹ và một số nước phương Tây như Canada, Anh, Australia đã cấm nhập khẩu dầu của Nga.
Trước đó, ngày 3-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh áp dụng các biện pháp trả đũa kinh tế đặc biệt nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ và đồng minh. Trong sắc lệnh này có lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu thô và sản phẩm từ Nga có lợi cho những cá nhân và thực thể có tên trong danh sách trừng phạt của Moscow.
Liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, hãng thông tấn TASS dẫn nguồn tin từ Điện Kremlin cho biết ngày 3-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm kéo dài hơn hai giờ đồng hồ với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron. Trong cuộc điện đàm này, Tổng thống Nga cáo buộc Ukraine đã không hợp tác trong đàm phán nhằm chấm dứt xung đột một cách nghiêm túc, đồng thời khẳng định phương Tây có thể giúp ngăn chặn cuộc xung đột bằng cách ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine. Moscow vẫn sẵn sàng đối thoại với Kiev nhằm tìm ra một giải pháp cho hòa bình.
Về phần mình, Tổng thống Macron bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình chiến sự ở Donbas và Mariupol, nhấn mạnh một lệnh ngừng bắn là cần thiết, đồng thời khẳng định sẵn sàng làm việc với các tổ chức quốc tế nhằm dỡ bỏ các hạn chế với thực phẩm xuất khẩu của Ukraine qua Biển Đen do hậu quả nghiêm trọng với an ninh lương thực toàn cầu. Tổng thống Pháp cũng kêu gọi nhà lãnh đạo Nga tạo điều kiện cho các hoạt động sơ tán dân thường khỏi nhà máy thép ở Mariupol.
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 3-5, TASS dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết các tên lửa có độ chính xác cao của nước này đã đánh trúng một trung tâm hậu cần đặt tại một sân bay quân sự gần thành phố Odessa của Ukraine, vốn được sử dụng làm địa điểm tập kết vũ khí mà Kiev nhận được từ phương Tây.
Chiến sự tại Ukraine vẫn diễn ra căng thẳng trong bối cảnh Mỹ và các nước phương Tây không ngừng gia tăng các gói viện trợ quân sự cho Ukraine. Ngày 3-5, phát biểu trong chuyến thị sát việc sản xuất tên lửa chống tăng Javelin tại một nhà máy của hãng Lockheed Martin ở Troy, bang Alabama, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua gói viện trợ 33 tỷ USD cho Ukraine trong nỗ lực nhằm tăng cường năng lực quân sự cho Kiev. Cùng ngày, trong bài phát biểu trực tuyến gửi Quốc hội Ukraine, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 300 triệu bảng Anh (376 triệu USD) cho quốc gia Đông Âu này, bao gồm các thiết bị chiến tranh điện tử, hệ thống radar, thiết bị gây nhiễu hệ thống định vị toàn cầu GPS và hàng nghìn thiết bị hỗ trợ nhìn trong đêm. Còn chính phủ Đức cũng vừa quyết định sẽ chuyển giao 7 khẩu pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 từ kho dự trữ của quân đội Đức cho Ukraine.
HÀ PHƯƠNG/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/eu-cong-bo-de-xuat-goi-trung-phat-thu-6-doi-voi-nga-693453