Hãng thông tấn Tân Hoa xã dẫn lời Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ hoan nghênh tuyên bố ngày 6/5 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó cơ quan này đã “có tiếng nói chung về hòa bình ở Ukraine”.
Xe chiến đấu bộ binh của lực lượng Nga di chuyển gần nhà máy thép Azovstal ở thành phố cảng Mariupol, phía nam Ukraine, ngày 5/5/2022. (Ảnh: Reuters)
Trong 1 tuyên bố, người đứng đầu Liên hợp quốc nêu rõ: “Hôm nay (6/5), lần đầu tiên Hội đồng Bảo an đã có tiếng nói chung về hòa bình ở Ukraine. Như tôi vẫn thường nói, thế giới phải cùng nhau làm câm lặng tiếng súng và giữ vững những giá trị của Hiến chương Liên hợp quốc”.
Trước đó cùng ngày, Hội đồng Bảo an đã ra tuyên bố chung bày tỏ “quan ngại sâu sắc” đối với việc duy trì hòa bình và an ninh tại Ukraine.
Tuyên bố chung nhấn mạnh cam kết của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc về việc giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, bày tỏ ủng hộ đối với nỗ lực của Tổng Thư ký Liên hợp quốc trong quá trình tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine.
Hồi tuần trước, ông Guterres đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev.
Hai chuyến thăm này đã mở đường cho hoạt động sơ tán chung của Liên hợp quốc và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, đưa khoảng 500 dân thường bị mắc kẹt ở thành phố Mariupol của Ukraine ra khỏi khu vực chiến sự trong những ngày gần đây, nhất là tại nhà máy thép Azovstal đang bị các lực lượng Nga bao vây.
Cùng ngày 6/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố gói hỗ trợ an ninh dành cho Ukraine, trong đó cung cấp bổ sung đạn pháo, radar và các thiết bị khác. Mặc dù Tổng thống Biden không nêu rõ giá trị cụ thể của gói hỗ trợ an ninh nói trên, song 1 quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho hay gói viện trợ này trị giá 150 triệu USD.
Tổng thống Biden cũng thông báo chính quyền của ông gần như đã cạn kiệt nguồn tài chính được phép chi tiêu từ Quyền rút vốn của Tổng thống và hối thúc Quốc hội Mỹ thông qua gói hỗ trợ trị giá 33 tỷ USD, trong đó có hơn 20 tỷ USD được chi tiêu cho viện trợ quân sự, mà ông đề xuất dành cho Ukraine.
Tổng giá trị viện trợ quân sự của Washington cho Kiev kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2 đã lên đến 3,4 tỷ USD, trong đó có pháo tự hành, hệ thống tên lửa phòng không vác vai Stinger và máy bay không người lái Phoenix Ghost.
Kinh phí phục vụ đợt chuyển giao vũ khí mới sẽ được trích từ nguồn ngân sách 250 triệu USD còn lại trong Quyền rút vốn của Tổng thống Mỹ - trong đó cho phép ông chủ Nhà trắng ủy quyền bàn giao các loại vũ khí dư thừa trong kho vũ khí của Mỹ mà không cần Quốc hội nước này thông qua để ứng phó với những tình huống khẩn cấp.
Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 28/4 cảnh báo rằng, chính sách cung cấp vũ khí của các nước phương Tây cho Ukraine gây nguy hiểm đối với an ninh toàn châu Âu.
Ông Peskov nhấn mạnh, xu hướng “bơm” vũ khí, bao gồm vũ khí hạng nặng, vào Ukraine là hành động đe dọa đến an ninh của toàn châu Âu, kích động bất ổn trong khu vực.
Tuyên bố của ông Peskov nhằm đáp trả phát biểu trước đó của Ngoại trưởng Anh Liz Truss, trong đó kêu gọi các đồng minh tăng cường sản xuất vũ khí để viện trợ cho Ukraine.
Theo nhandan.vn