Ngày 6/5, hãng thông tấn Ukrinform của Ukraine dẫn phát biểu của Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky khẳng định, Kiev sẵn sàng nối lại tiến trình đàm phán giải quyết xung đột với Nga sau khi các lực lượng của Moskva quay trở lại vị trí như trước ngày 24/2 - thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Người dân Ukraine được sơ tán khỏi nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol tới 1 trung tâm lưu trú tạm thời ở làng Bezimenne, thuộc Donetsk, ngày 6/5/2022. (Ảnh: Reuters)
Trong tuyên bố, Tổng thống Zelensky cho rằng, các lực lượng của Nga cần rút về các đường ranh giới hoặc giới tuyến tạm thời. Có như vậy, hai bên mới “có thể bắt đầu những cuộc đàm phán đầy đủ”.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Ukraine cũng nhấn mạnh “không phải tất cả những cây cầu” dành cho hòa đàm với Nga đã bị hủy hoại.
Vòng hòa đàm trực tiếp gần đây nhất giữa Nga và Ukraine đã diễn ra vào cuối tháng 3 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk xác nhận, 50 dân thường, gồm phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi, đã được sơ tán khỏi nhà máy thép Azovstal ở thành phố cảng chiến lược Mariupol, miền nam Ukraine.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Nga cũng xác nhận con số 50 dân thường được sơ tán khỏi địa điểm nói trên.
Cả Nga và Ukraine đều khẳng định công tác sơ tán dân thường khỏi nhà máy Azovstal sẽ tiếp tục được triển khai trong ngày 7/5.
Thị trưởng thành phố Mariupol ước tính có khoảng 200 người vẫn đang mắc kẹt tại nhà máy, với ít lương thực hoặc nước uống.
Nhằm giúp Ukraine đối phó với tình trạng thiếu điện, Chính phủ Anh thông báo sẽ gửi thêm 287 máy phát điện di động cho nước này. Trước đó, London cũng đã tặng Kiev 569 máy phát điện.
Theo phía Anh, các máy phát điện này - có thể cung cấp đủ lượng điện cho gần 8.000 hộ gia đình, sẽ được dùng cho các bệnh viện, nơi trú ẩn và các dịch vụ thiết yếu khác. Bên cạnh đó, London cũng đã nới lỏng các quy định về hỗ trợ nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài để tăng cường cung cấp năng lượng cho Ukraine.
Cùng ngày 6/5, Bộ Ngoại giao Nga cho biết đã triệu Đại sứ Anh tại Moskva, bà Deborah Bronnert, nhằm phản đối các biện pháp trừng phạt mà London vừa áp đặt đối với giới truyền thông Nga.
Thông cáo của bộ trên khẳng định Moskva sẽ tiếp tục phản ứng “mạnh mẽ và kiên quyết” đối với tất cả những biện pháp trừng phạt của London.
Ngày 4/5 vừa qua, Bộ Ngoại giao Anh cho biết chính phủ nước này đã mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cơ quan truyền thông và nhà báo Nga đưa tin các sự kiện ở Ukraine. Các biện pháp hạn chế bao gồm lệnh cấm nhập cảnh vào Anh và phong tỏa tài khoản tại ngân hàng Anh.
Đối tượng áp dụng là các nhà báo và các phóng viên chiến trường, người dẫn chương trình, Trợ lý của Tổng thống Nga, cùng các cơ quan truyền thông, trong đó có Công ty Phát thanh và Truyền hình nhà nước toàn Nga (VGTRK, công ty sở hữu các kênh truyền hình trung ương Russia-1, Russia-24…).
Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt mới cũng cấm các công ty Nga sử dụng dịch vụ do các công ty Anh trong lĩnh vực truyền thông, kế toán và tư vấn quản lý cung cấp.
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2 vừa qua, Anh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hơn 1.600 chính trị gia, doanh nhân, quan chức, nhà báo và doanh nghiệp Nga.
Theo Bộ Ngoại giao Anh, trong danh sách trừng phạt hiện có khoảng 20 ngân hàng Nga với tổng tài sản 940 tỷ bảng Anh (tương đương hơn 1.200 tỷ USD), hơn 100 doanh nhân lớn và người thân của họ với tổng tài sản theo ước tính của London là hơn 170 tỷ bảng Anh (tương đương khoảng 220 tỷ USD).
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/ukraine-de-cap-kha-nang-noi-lai-dam-phan-voi-nga-696175/