Trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine đang cho thấy những hệ lụy khôn lường với nền kinh tế toàn cầu, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres nhận định rằng, ông không nhận thấy có bất kỳ triển vọng nào đạt được thỏa thuận hòa bình hoặc lệnh ngừng bắn toàn diện ở Ukraine trong thời điểm hiện tại.
Ngày 11-5, theo hãng thông tấn TASS, chia sẻ với báo giới sau cuộc gặp với Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen, ông Guterres nói rằng: "Hiện nay, không có khả năng thỏa thuận hòa bình hay lệnh ngừng bắn toàn diện sẽ đạt được". Khi được hỏi: Sau cuộc trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 26-4 ở Moscow, liệu ông có nghĩ Nga sẽ kết thúc cuộc chiến hay không? ông Guterres đã trả lời rằng ông không cho là như vậy, đồng thời nhận định hiện đang thiếu cơ sở để đưa ra dự đoán. Người đứng đầu LHQ cho rằng các quốc gia nên tập trung vào những nỗ lực ngoại giao để cung cấp cứu trợ nhân đạo và đưa dân thường sơ tán khỏi khu vực giao tranh. Cần tìm cách đưa "các nông sản của Ukraine cùng với lương thực và phân bón của Nga" trở lại thị trường toàn cầu, Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh.
USD Today ngày 12-5 trong một bài viết cảnh báo cuộc chiến ở Ukraine đã khiến giá lương thực, nhiên liệu và phân bón tăng vọt lên mức kỷ lục ở nhiều nơi trên thế giới, khiến an ninh lương thực của một số quốc gia nghèo nhất thế giới bị đe dọa. Ukraine và Nga cung cấp khoảng 30% lúa mì và lúa mạch cho thế giới, 1/5 lượng ngô và hơn 1/2 lượng dầu hướng dương. Nga cũng là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới và là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai.
Quang cảnh một hội nghị quốc tế viện trợ tái thiết Ukraine tại Ba Lan hôm 5-5 (ảnh minh họa). Ảnh: AP |
Theo Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế của Liên hợp quốc, nông dân quy mô nhỏ không thể theo kịp đà tăng giá trên toàn thế giới do chiến tranh gây ra, khiến họ không có khả năng chi trả cho nhiên liệu máy móc và phân bón.
Các khu vực của châu Phi, cận Đông và Trung Á đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các cú sốc giá. Ở Somalia, nhiều nông dân sống dựa vào hệ thống tưới tiêu bằng động cơ diesel nên khi giá nhiên liệu cao cộng với hạn hán khiến các chuyên gia lo lắng về nạn đói.
Ông Gilbert F.Houngbo, Chủ tịch Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế cho biết: Sự gián đoạn thị trường toàn cầu đang làm lung lay hệ thống lương thực. Điều này đặc biệt đáng báo động đối với các quốc gia đang phải vật lộn với tác động của biến đổi khí hậu và Covid-19, nơi nhiều người có khả năng bị đẩy thêm vào cảnh nghèo đói.
Trong bối cảnh đó, các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine vẫn chưa thấy triển vọng. Chuyến thăm gần đây của Tổng thư ký Antonio Guterres tới Nga trong nỗ lực để xoa dịu cuộc chiến cũng không đạt được kết quả nào đáng kể, ngoài một thỏa thuận về nguyên tắc giúp đỡ dân thường bị bao vây ở Mariupol.
Trong khi đó, mặc dù chưa biết khi nào chiến sự chấm dứt ở Ukraine, các nước châu Âu đã, đang tìm cách thúc đẩy kế hoạch tái thiết quốc gia này, tương tự như kế hoạch Marshall của Mỹ dành cho châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai, với số tiền có thể lên tới hàng nghìn tỷ USD. Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi có một kế hoạch Marshall phiên bản mới tái thiết Ukraine. Gần đây, Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới cũng đã có các cuộc họp về vấn đề tái thiết Ukraine.
Việt Nam hỗ trợ nhân đạo 500.000USD cho Ukraine Ngày 12-5, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt khẳng định:“Việt Nam chia sẻ sự quan tâm, quan ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế về tình hình nhân đạo do diễn biến gần đây tại Ukraine và cho rằng cần chấm dứt ngay việc sử dụng vũ lực, bảo đảm an ninh, an toàn của thường dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu, tôn trọng và thực thi luật nhân đạo quốc tế, tạo điều kiện tiếp cận nhân đạo và sơ tán cho các cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống tại Ukraine, trong đó có cộng đồng người Việt Nam. Việt Nam ủng hộ các hoạt động nhân đạo của Liên hợp quốc và các nước, đối tác quốc tế để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi chiến sự tại Ukraine. Với tinh thần đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc, Việt Nam quyết định đóng góp 500.000USD, bao gồm: 100.000USD cho Quỹ ứng phó khẩn cấp trung tâm (CERF), 100.000USD cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 100.000USD cho Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và 200.000USD thông qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam gửi Hội Chữ thập đỏ Ukraine, góp phần triển khai các hoạt động cứu trợ nhân đạo hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi xung đột tại Ukraine". TRUNG ĐOÀN |
XUÂN PHONG/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/trien-vong-thoa-thuan-hoa-binh-o-ukraine-chua-ro-rang-694268