Việt Nam cho rằng Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) cần dựa trên các nguyên tắc mở, bao trùm, minh bạch, phù hợp luật pháp quốc tế, vai trò trung tâm của ASEAN, bổ trợ cho các liên kết kinh tế đã có.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: Bộ Ngoại giao)
Ngày 26/5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
Ngày 23/5/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự lễ công bố khởi động thảo luận về IPEF.
Trong quá trình thảo luận, Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN và các đối tác liên quan trao đổi, làm rõ các nội hàm của IPEF, tập trung vào bốn trụ cột, đó là: thương mại; chuỗi cung ứng; năng lượng sạch, phi carbon hóa và cơ sở hạ tầng; thuế và chống tham nhũng, nhằm đem lại một chương trình nghị sự kinh tế tích cực, hiệu quả, khả thi cho khu vực và cho mỗi nước, hướng đến một khuôn khổ hợp tác mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng trong khu vực và trên toàn thế giới.
Việt Nam cho rằng, IPEF cần dựa trên các nguyên tắc mở, bao trùm, minh bạch, phù hợp luật pháp quốc tế, vai trò trung tâm của ASEAN, bổ trợ cho các liên kết kinh tế đã có.
Với chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, Việt Nam cũng đã tham gia một số sáng kiến liên kết kinh tế quốc tế, qua đó, phát huy tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Liên quan tình hình xuất khẩu quả vải của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng, địa phương của Việt Nam và Trung Quốc luôn phối hợp chặt chẽ trong việc giới thiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, thương nhân, các chuỗi siêu thị hai bên sang tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại nông sản song phương đạt nhiều kết quả tích cực.
Đối với sản phẩm quả vải, các cơ quan chức năng và địa phương Việt Nam và Trung Quốc đã tích cực phối hợp tổ chức thành công nhiều hoạt động giới thiệu, kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải ở hai nước, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc; đồng thời thường xuyên trao đổi thông tin về các quy định trong xuất nhập khẩu, góp phần nâng cao hiệu suất thông quan và lưu thông hàng hóa trên cơ sở đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh của mỗi nước.
Ngày 25/5 vừa qua, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức “Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều” tại 80 điểm cầu trong nước và quốc tế với sự tham dự của đại diện một số bộ, ngành, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; các hiệp hội xuất nhập khẩu hoa quả tại địa phương, các tập đoàn bán lẻ, hệ thống siêu thị các doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước, trong đó có một số địa phương Quảng Tây, Vân Nam, Tứ Xuyên của Trung Quốc.
Các cơ quan chức năng của Việt Nam, các địa phương, trong đó có tỉnh Bắc Giang, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc vào Việt Nam thu mua vải. Theo chúng tôi được biết, hàng trăm doanh nghiệp và thương nhân Trung Quốc đã được giải quyết thủ tục để sang thu mua vải ở tỉnh Bắc Giang.
Theo nhandan.vn