Việc Mỹ và Đức cam kết cung cấp cho Ukraine một số vũ khí tiên tiến mà nước này mong muốn để giành lợi thế trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán với Nga đang gây quan ngại làm phức tạp thêm cuộc xung đột đã kéo dài hơn 3 tháng qua và kéo theo những hệ lụy khôn lường.
Theo Reuters, ngày 1-6, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố gói vũ khí giá 700 triệu USD cho Ukraine, trong đó có hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) M142 có khả năng nhắm chính xác mục tiêu ở khoảng cách 80km. CNN cho biết, gói viện trợ vũ khí mới của Mỹ còn gồm radar giám sát không phận, tên lửa chống tăng Javelin, đạn pháo, trực thăng, xe tác chiến, cũng như vũ khí chống thiết giáp cùng phụ tùng để Ukraine bảo trì thiết bị. Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng cho biết, Mỹ sẽ gửi 4 hệ thống HIMARS tới Ukraine.
HIMARS M142 phóng hỏa lực trong cuộc tập trận quân sự "Sư tử châu Phi" ở vùng Grier Labouihi, phía Đông Nam Morocco năm 2021 (ảnh minh hoạ). Ảnh: AFP. |
Tổng thống Mỹ công bố kế hoạch cung cấp cho Ukraine hệ thống HIMARS M142 sau khi Kiev bảo đảm sẽ không sử dụng loại vũ khí này để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Chính quyền Mỹ đã áp đặt điều kiện này nhằm cố gắng tránh leo thang căng thẳng.
Trước đó, Mỹ vẫn từ chối yêu cầu mà Ukraine đưa ra từ lâu do lo ngại vũ khí có thể được dùng nhằm vào các mục tiêu ở Nga. Tuy nhiên, sau khi thay đổi quyết định, Tổng thống Joe Biden cho rằng, việc viện trợ vũ khí sẽ tăng cường vị thế của Ukraine trên bàn đàm phán với Nga và quyết định này có thể giúp giải pháp ngoại giao trở nên khả thi.
Tuy nhiên, động thái của Mỹ làm gia tăng quan ngại về nguy cơ leo thang xung đột tại Ukraine trong trường hợp vũ khí do Mỹ cung cấp được dùng để tấn công Nga. Phản ứng trước động thái của Mỹ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng, Mỹ đang làm cho cuộc xung đột trở nên nguy hiểm hơn. Theo ông Ryabkov, bất cứ việc viện trợ vũ khí nào cũng sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp giữa Nga và Mỹ. Việc tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine về cơ bản không làm thay đổi tình hình mà chỉ làm tăng thêm rủi ro.
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho biết, Moscow không tin vào những cam kết của Ukraine về việc không sử dụng các loại vũ khí tầm xa này để tấn công vào lãnh thổ Nga. Theo ông Peskov, Mỹ đang đổ thêm dầu vào lửa một cách có chủ ý. Nguồn cung vũ khí của Mỹ khuyến khích giới lãnh đạo Ukraine không nối lại các cuộc đàm phán hòa bình.
Cùng với Mỹ, Anh và Đức cũng khẳng định tiếp tục cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine. Theo Reuters, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nước này sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không lớp IRIS-T và radar phát hiện mục tiêu hiện đại. Tuyên bố này của Đức đánh dấu việc chuyển giao vũ khí phòng không tầm xa đầu tiên cho Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine. Ngoài ra, theo Thủ tướng Olaf Scholz, Đức sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ để xem xét khả năng cung cấp nhiều bệ phóng tên lửa cho Ukraine với tầm bắn nằm ngoài lãnh thổ của Nga. Theo CNN, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace ngày 1-6 thông báo sẽ cung cấp phản lực M270 có tầm bắn lên tới 80km cho Ukraine.
Theo các nhà phân tích, việc Mỹ và các nước phương Tây đang từng bước leo thang trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine nhằm mục đích kiểm tra các giới hạn của Nga. Nếu phía Nga phản ứng không đủ mạnh, các nước này sẽ tiếp tục cung cấp các loại vũ khí hiệu quả và tinh vi hơn. Hậu quả từ việc này được cảnh báo là khôn lường bởi nó sẽ tiếp tục đẩy cuộc xung đột đi xa hơn và không loại trừ có thể cuốn thêm các quốc gia khác vào vòng xoáy xung đột.
Rõ ràng, với việc tiếp tục cung cấp các vũ khí hạng nặng và tiên tiến cho Ukraine, Mỹ và các đồng minh phương Tây dường như đang tiến gần hơn tới “giới hạn đỏ” đụng độ mà bấy lâu họ vẫn tránh khi tỏ ra kiềm chế viện trợ quân sự cho Kiev. Việc gia tăng súng đạn giống như con dao hai lưỡi, có thể khiến cánh cửa ngoại giao khép lại và nguy cơ xung đột lan rộng, thậm chí có thể đẩy lên thành cuộc chiến trực diện giữa NATO và Nga. Đây chắc chắn là kịch bản không bên nào mong muốn, nhưng nguy cơ vẫn còn đó nếu các bên không kiểm soát hành động của mình, nhất là trong bối cảnh tiến trình hòa bình giữa Nga và Ukraine đang bế tắc và chiến trường chưa im tiếng súng.
Trong khi đó, ngày 2-6, Tổng thư ký Cơ quan Cảnh sát quốc tế (Interpol), tướng Juergen Stock cảnh báo, nhiều vũ khí đang được gửi đến Ukraine cuối cùng sẽ rơi vào tay các nhóm tội phạm ở châu Âu và cả ở những khu vực khác. Phát biểu tại Hiệp hội Báo chí Anh-Mỹ ở thủ đô Paris (Pháp), Tổng thư ký Interpol nêu rõ, một số lượng lớn vũ khí đang được sử dụng trong cuộc xung đột Ukraine hiện nay sẽ dẫn đến việc phổ biến vũ khí trái phép trong giai đoạn hậu xung đột.
XUÂN PHONG/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/canh-bao-rui-ro-tu-cung-cap-vu-khi-cho-ukraine-696297