Trong cuộc họp báo trực tuyến từ Geneva (Thụy Sĩ) ngày 3/6, Điều phối viên của Liên hợp quốc về vấn đề Ukraine Amin Awad cho biết, Liên hợp quốc đang tích cực thúc đẩy đối thoại để nhanh chóng khôi phục hoạt động xuất khẩu lương thực từ Ukraine và Nga.
Xuất khẩu lương thực của cả Nga và Ukraine bị ảnh hưởng do xung đột. (Ảnh: TASS/TTXVN)
Các bên đã nhất trí trên nguyên tắc về vấn đề trên, song cần có thêm các cuộc đàm phán, nhất là tìm cách “giải phóng” các lô hàng ngũ cốc hiện kẹt tại các cảng của Ukraine.
Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, Liên hợp quốc đề xuất thiết lập “nhóm tiếp xúc 4 bên”, gồm Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc, nhằm mở hành lang an toàn cho các tàu chở ngũ cốc từ Ukraine. Tuần tới, tại Istanbul, các bên sẽ thảo luận chi tiết về lộ trình di chuyển an toàn cho các tàu vận chuyển lương thực.
Trong khi đó, Nga bác bỏ cáo buộc cho rằng Moskva cản trở hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine. Trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, thông tin về lệnh cấm xuất khẩu của Nga là không đúng. Nhà lãnh đạo Nga gợi ý, xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine có thể thông qua lãnh thổ Belarus, tuy nhiên các lệnh trừng phạt Belarus và Nga phải được dỡ bỏ.
Belarus cũng tuyên bố sẵn sàng thảo luận về khả năng Belarus đóng vai trò trạm trung chuyển ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraine. Ngày 3/6, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nêu rõ: Misk sẵn sàng cho phép vận chuyển ngũ cốc của Ukraine qua Belarus tới các cảng của Đức, Ba Lan, hay các nước vùng Baltic.
Hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine gián đoạn do xung đột đã đẩy giá lương thực thế giới tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1990, gây lo ngại khủng hoảng lương thực xảy ra ở nhiều nước. Theo hãng Standard&Poor’s (S&P), các nước Trung Đông và châu Phi chịu ảnh hưởng nhiều nhất và đang tìm kiếm các nguồn cung thay thế. Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) ngày 3/6, Tổng thống Putin cho biết, Nga nhất trí tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, vận chuyển lương thực ở Biển Đen. Tuy nhiên, điều cần làm là các lệnh trừng phạt Nga phải được loại bỏ.
Ai Cập đã ký một thỏa thuận với Tập đoàn tài chính thương mại Hồi giáo quốc tế (ITFC), trị giá 6 tỷ USD. Theo đó, ITFC cấp tài chính cho hoạt động nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, nhất là lúa mì, nhằm hỗ trợ Ai Cập khắc phục khó khăn khi các chuỗi cung ứng lương thực từ Ukraine gián đoạn do xung đột. Ai Cập hiện mở rộng nguồn cung lúa mì từ Ấn Độ và Argentina.
Liên hợp quốc cũng vừa quyết định bổ sung viện trợ nhằm hỗ trợ khẩn cấp các cộng đồng có nguy cơ cao bị đói do thiếu lương thực, hạn hán nghiêm trọng tại Somalia. Khoản phân bổ mới trị giá 20 triệu USD, lấy từ Quỹ nhân đạo Somalia (SHF). Đặc phái viên cứu trợ của Liên hợp quốc cảnh báo rằng, ở nhiều khu vực tại Somalia, hàng triệu người đang đứng trước bờ vực nạn đói.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/lien-hop-quoc-thuc-day-doi-thoai-ve-xuat-khau-luong-thuc-700057/