Chính phủ Phần Lan có kế hoạch sửa đổi luật biên giới nhằm cho phép xây dựng hàng rào ở biên giới phía đông với Nga.
Các biển báo được dựng lên ở khu vực biên giới Nga - Phần Lan tại Imatra, Phần Lan (Ảnh: Reuters).
Theo Reuters, chính phủ Phần Lan đã gấp rút tăng cường an ninh biên giới vì lo ngại Nga có thể tìm cách gây sức ép với nước này bằng cách đưa người tị nạn tới biên giới của Phần Lan, tương tự cáo buộc của Liên minh châu Âu (EU) với Belarus vào cuối năm ngoái khi hàng trăm người tị nạn từ Trung Đông, Afghanistan và châu Phi bị kẹt ở biên giới Ba Lan.
Kế hoạch sửa đổi luật biên giới của chính phủ Phần Lan bao gồm một đề xuất cho phép chỉ tập trung tiếp nhận các đơn xin tị nạn tại một số điểm nhập cảnh cụ thể.
Theo các quy định hiện hành của EU, người di cư có quyền xin tị nạn tại bất kỳ điểm nhập cảnh nào vào một quốc gia thành viên EU.
Việc sửa đổi luật cũng cho phép Phần Lan xây dựng các hàng rào cũng như các tuyến đường mới để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuần tra biên giới bên phía Phần Lan. Phần Lan có đường biên giới dài hơn 1.300 km với Nga.
Đường biên giới chung dài 1.300 km giữa Nga và Phần Lan (Ảnh: BBC).
Một đoạn video được Reuters chia sẻ hồi tháng 5 cho thấy một đoàn xe gồm khoảng hơn 10 xe quân sự, trong đó có 7 xe chở tên lửa Iskander di chuyển trên tuyến đường cao tốc. Các tên lửa này được cho là vận chuyển tới Vyborg, một thành phố của Nga gần biên giới Phần Lan, không lâu sau khi Tổng thống Phần Lan thông báo nước này quyết định sẽ gia nhập NATO.
Các thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Phần Lan thông báo quyết định sẽ nộp đơn gia nhập NATO, chấm dứt chính sách trung lập nhiều thập niên qua. Nối gót Phần Lan, Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde cũng ký đơn xin gia nhập NATO.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16/5 cảnh báo, Nga không có vấn đề gì với việc Phần Lan hay Thụy Điển gia nhập NATO, nhưng Moscow sẽ phản ứng nếu NATO mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự tại hai nước này. Từ lâu, Moscow coi việc NATO mở rộng hiện diện quân sự ở khu vực là mối đe dọa đối với an ninh của Nga.
Tháng trước, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev nhấn mạnh, Moscow có thể triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu vượt âm ở tỉnh Kaliningrad nếu Phần Lan, Thụy Điển trở thành thành viên của liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt.
RAO Nordic, công ty con của tập đoàn năng lượng Nga Inter RAO tại Phần Lan, thông báo sẽ ngừng xuất khẩu điện cho Phần Lan từ ngày 14/5 do chưa nhận được thanh toán để trả cho công ty mẹ ở Nga. Fingrid, hãng vận hành mạng lưới truyền tải điện của Phần Lan, cho biết bất chấp quyết định ngừng cấp điện của Inter RAO, hiện tại nguồn cung điện của Phần Lan vẫn đảm bảo do lượng điện nhập khẩu từ Nga chỉ chiếm khoảng 10% lượng tiêu thụ điện năng.
Công ty khí đốt Gasum của Phần Lan cũng thông báo, tập đoàn Gazprom của Nga sẽ ngừng cấp khí đốt cho Phần Lan từ ngày 21/5. Phần Lan trở thành nước châu Âu thứ 3 bị Nga cắt nguồn cung khí đốt, sau Ba Lan và Bulgaria. Tuy nhiên, gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga được cho là không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế của Phần Lan do mức độ phụ thuộc không lớn như các quốc gia khác ở châu Âu.
Thành Đạt/dantri.com.vn