Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cảnh báo kho vũ khí hạt nhân của thế giới sẽ sớm tăng lên trong bối cảnh căng thẳng hiện nay.
Vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat ở Nga (Ảnh: AFP).
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) tại Thụy Điển công bố hôm 12/6, tổng số đầu đạn hạt nhân trên thế giới hiện ước tính khoảng 12.705 đầu đạn, giảm nhẹ so với số liệu trước đó. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu dự đoán, số đầu đạn hạt nhân có thể sẽ tăng trở lại trong thập niên tới.
Các chuyên gia cảnh báo nếu không có các bước giải trừ vũ khí hạt nhân cụ thể và ngay lập tức, kho vũ khí hạt nhân toàn cầu có thể sớm tăng trở lại lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Lạnh.
Khoảng 90% số vũ khí hạt nhân trên thế giới do Mỹ và Nga nắm giữ. Theo SIPRI, cả hai nước đều triển khai các chương trình quy mô lớn và tốn kém để thay thế và hiện đại hóa đầu đạn hạt nhân, hệ thống phân phối và cơ sở sản xuất.
Theo SIPRI, 7 quốc gia có vũ khí hạt nhân khác, gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên, gần đây đều đã phát triển hoặc triển khai các hệ thống vũ khí mới hoặc ít nhất đã công bố kế hoạch này.
Báo cáo của SIPRI được công bố trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine leo thang và có nhiều lo ngại về nguy cơ xung đột hạt nhân. Giới chức Nga nhiều lần cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân nếu khủng hoảng Ukraine lan rộng khi các nước NATO tiếp tục "bơm" vũ khí cho Kiev.
Thành Đạt/dantri.com.vn