Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo sẽ đáp trả nếu NATO triển khai lực lượng hoặc cơ sở hạ tầng ở Phần Lan hay Thụy Điển.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Ashgabat của Turkmenistan hôm 29-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: "Chúng tôi không có vấn đề với Thụy Điển và Phần Lan giống như với Ukraine. Chúng tôi không có những bất đồng về vấn đề về lãnh thổ. Không có gì có thể khiến chúng tôi bận tâm về việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nếu Phần Lan và Thụy Điển muốn, họ có thể gia nhập. Điều đó tùy thuộc vào họ. Họ có thể tham gia bất cứ cái gì họ muốn".
Tuy nhiên, ông chủ nhân Điện Kremlin nhắc nhở nếu lực lượng quân sự và cơ sở hạ tầng quân sự được triển khai ở những nước đó, Nga "buộc phải đáp trả và tạo ra mối đe dọa tương xứng với mối đe dọa nhằm vào chúng tôi".
Tổng thống Putin cho rằng mối quan hệ giữa Moscow với Helsinki và Stockholm khó tránh khỏi căng thẳng khi các nước này tìm cách gia nhập NATO. Hãng tin Reuters dẫn lời nhà lãnh đạo Nga: "Mọi thứ vốn rất ổn nhưng giờ đây có thể có một số căng thẳng, điều đó là chắc chắn và khó tránh khỏi khi họ tạo ra mối đe dọa với chúng tôi".
Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Caspi lần thứ 6 tại Ashgabat, Turkmenistan, vào ngày 29-6. Ảnh: EPA-EFE
Lời cảnh báo trên được đưa ra không lâu sau khi NATO chính thức mời Thụy Điển và Phần Lan tham gia liên minh hôm 29-6. Các nhà lãnh đạo NATO tuyên bố tăng cường lực lượng dọc theo sườn Đông khi chiến sự Nga - Ukraine không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tuyên bố của NATO ngày 29-6 khẳng định: "Việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập sẽ làm cho họ an toàn hơn, NATO mạnh hơn và khu vực châu Âu - Đại Tây Dương an toàn hơn. An ninh của Phần Lan và Thụy Điển có tầm quan trọng trực tiếp đối với liên minh, kể cả trong quá trình gia nhập".
Theo đài CNN, quyết định kết nạp sẽ được đưa ra quốc hội, cơ quan lập pháp của 30 quốc gia thành viên NATO để thông qua lần cuối. Các nhà lãnh đạo NATO kỳ vọng quá trình này diễn ra nhanh chóng, cho phép gia nhập nhanh chưa từng có.
Cũng tại cuộc họp báo ở Turkmenistan hôm 29-6, Tổng thống Putin nói thêm rằng mục tiêu của "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine vẫn không thay đổi, đó là giải phóng vùng Donbass ở miền Đông Ukraine.
Ông Putin cho biết quân đội Nga đang chiếm ưu thế và các hoạt động quân sự đang diễn ra đúng kế hoạch. Theo nhà lãnh đạo Nga, không cần thiết đặt thời hạn kết thúc chiến dịch.
Mỹ sẽ tăng cường hiện diện quân sự khắp châu Âu nhằm đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng từ Nga. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo NATO họp mặt tại Tây Ban Nha, công bố một đợt tăng cường lực lượng đáng kể dọc theo sườn Đông của liên minh. Ông Biden liệt kê các đợt chuyển quân mới, các chuyến hàng thiết bị và các cơ sở quân sự nhằm chứng tỏ tầm quan trọng của an ninh khi đối mặt sự quyết tâm của Nga ở Ukraine.
Tổng thống Biden cam kết sẽ bổ sung thêm quân, máy bay chiến đấu và tàu chiến cho châu Âu. Theo đó, Mỹ sẽ thành lập trụ sở thường trực cho Quân đoàn số 5 ở Ba Lan, duy trì thêm một lữ đoàn luân phiên gồm 3.000 quân ở Romania, tăng cường triển khai luân phiên tới các nước Baltic, gửi thêm hai phi đội máy bay chiến đấu F-35 tới Anh, gia tăng đồn trú lực lượng phòng không cùng các lực lượng khác ở Đức và Ý.
Theo CNN, Mỹ đã không truyền đạt trước cho Nga về kế hoạch củng cố thế lực của họ ở châu Âu. Một quan chức Mỹ nói rằng thông báo mới của Mỹ không vi phạm bất kỳ thỏa thuận nào giữa Nga và NATO, trong đó quy định các thông số về bố trí lực lượng quân sự ở châu Âu.
Huệ Bình/nld.com.vn