EU và Ấn Độ đang nối lại các cuộc đàm phán thương mại nhằm tăng cường quan hệ kinh tế và tiến tới thiết lập một thỏa thuận thương mại toàn diện vào năm 2023.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức (Ảnh: EPA-EFE).
Bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 và các cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực do ảnh hưởng từ tình hình chiến sự Nga - Ukraine, Ấn Độ đang nổi lên với vai trò là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong giai đoạn từ tháng 4/2021 đến tháng 3/2022 là 8,2% và thậm chí dự báo sẽ còn cao hơn nữa trong năm 2023.
Với các kết quả ấn tượng trong thời gian qua về chính trị, an ninh, quốc phòng và tăng trưởng kinh tế, Ấn Độ hiện là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á và là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; ngày càng có sức ảnh hưởng lớn trên chính trường quốc tế. Hơn nữa, Ấn Độ vẫn đang giữ được mối quan hệ tốt với cả Nga và phương Tây, nhất là trong bối cảnh Moscow phải hứng chịu các lệnh cấm vận và trừng phạt từ phương Tây sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Bộ Công thương Ấn Độ cho biết, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ sau Mỹ và Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 9 của EU, chiếm 2,4% tổng kim ngạch thương mại của EU. Trong thập niên qua, thương mại hàng hóa giữa EU và Ấn Độ tăng 41%, thương mại dịch vụ tăng 76%. Kim ngạch thương mại song phương đạt mức kỷ lục 116,36 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2022, trong đó xuất khẩu của Ấn Độ sang EU đạt 65 tỷ USD. Hiện có tới 4.500 công ty của EU đang hoạt động tại Ấn Độ, góp phần tạo ra hơn 1,5 triệu việc làm trực tiếp và 5 triệu việc làm gián tiếp tại nước này.
Garima Mohan - thành viên cấp cao tại Chương trình châu Á của Quỹ Marshall, Đức, cho rằng mối quan hệ giữa EU và Ấn Độ giờ đây đã "lớn mạnh". Những điều này góp phần lý giải vì sao EU đánh giá cao và mong muốn tăng cường quan hệ liên minh với Ấn Độ, đồng thời coi mối quan hệ với Ấn Độ là "trung tâm của chiến lược địa chính trị châu Âu".
Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis khẳng định, đối với EU, quan hệ đối tác với Ấn Độ là một trong những mối quan hệ "quan trọng nhất trong thập niên tới".
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng đánh giá, Ấn Độ và EU có quan hệ đối tác chiến lược, hai bên đã và đang chứng kiến sự phát triển quan hệ hợp tác mạnh mẽ, sôi động và ngày càng sâu rộng trong các lĩnh vực chính trị và chiến lược, thương mại và kinh doanh, khí hậu và phát triển bền vững, công nghệ và kỹ thuật số, cũng như mối quan hệ giao lưu nhân dân.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Đức (từ ngày 26-27/6), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen để thảo luận về các cách thức cải thiện quan hệ thương mại.
Điểm sáng đáng chú ý trong nỗ lực của EU nhằm nâng cấp quan hệ với Ấn Độ là việc ngày 27/6, tại thủ đô New Delhi, EU và Ấn Độ đã nối lại đàm phán về các Hiệp định Thương mại và Đầu tư vốn đã bị đình trệ 9 năm qua do các vấn đề về cắt giảm thuế, bảo hộ bằng sáng chế cũng như chính sách thị thực của EU đối với lao động tay nghề cao của Ấn Độ.
Vòng thứ nhất của cuộc đàm phán nói trên đã kết thúc vào ngày 2/7. Dự kiến cuộc đàm phán vòng thứ 2 sẽ được tổ chức tại thủ đô Brussels, Bỉ vào tháng 9/2022.
Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết, hai bên đang hướng tới các cuộc đàm phán trên diện rộng, cân bằng, toàn diện dựa trên nguyên tắc công bằng, có đi có lại nhằm giải quyết những vấn đề khúc mắc, cản trở quan hệ thương mại song phương. Bộ trưởng Công thương Ấn Độ Piyush Goyal đánh giá, các cuộc đàm phán song phương đại diện cho "quan hệ đối tác thương mại thế giới trong Thế kỷ 21."
Hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Báo Financial Times dẫn lời một quan chức EU cho biết, EU muốn làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Ấn Độ để đối trọng với sức mạnh kinh tế đang trỗi dậy của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, EU đang cố gắng thúc đẩy các biện pháp để Ấn Độ nới lỏng sự phụ thuộc vào các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Nga. Trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, một trong những mục tiêu của chuyến thăm Ấn Độ hồi cuối tháng 4 vừa qua của Chủ tịch EC Ursula von de Leyen là bán thiết bị quân sự do EU sản xuất cho Ấn Độ và các liên doanh tiềm năng "nhằm giảm sự phụ thuộc lâu nay của Ấn Độ vào công nghệ quốc phòng của Nga". Trong cuộc chiến ở Ukraine, chính phủ các nước phương Tây vẫn đang tìm cách và hy vọng có thể lôi kéo New Delhi khỏi các "mối quan hệ lâu đời" với Moscow.
Vivek Mishra, thành viên Quỹ Nghiên cứu Người quan sát ở New Delhi, cho rằng Ấn Độ đang có vị trí chiến lược ngày càng lớn trong mối quan hệ với châu Âu, nhất là trong bối cảnh quan hệ giữa EU và Trung Quốc ngày càng "nguội lạnh".
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp của châu Âu cũng đang nỗ lực đa dạng chuỗi cung ứng, nhất là sau khi bị chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và chiến lược "Zero-Covid" của Trung Quốc.
Ông Roland Busch, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Đức tại châu Á - Thái Bình Dương, đánh giá cao việc EU và Ấn Độ nối lại các cuộc đàm phán thương mại; đồng thời cho biết, vào thời điểm khó khăn khi các công ty muốn đa dạng hóa thị trường, chuỗi sản xuất và cung ứng, nền kinh tế Đức cũng đang đặc biệt quan tâm tới tiềm năng phát triển của Ấn Độ, nhất là sau các ảnh hưởng từ chiến lược "Không Covid-19" của Trung Quốc.
Bà Garima Mohan nói, ngành công nghiệp Đức biết rằng họ cần phải đa dạng hóa thị trường, tìm các thị trường thay thế để không phải chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như trước đây và tiềm năng của Ấn Độ đang được xét đến.
Hiệp định thương mại với EU sẽ giúp Ấn Độ mở rộng và đa dạng hóa hơn nữa xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, bao gồm cả việc đảm bảo chuỗi giá trị. Cả hai bên đều hướng tới các cuộc đàm phán thương mại trên diện rộng, cân bằng và toàn diện, dựa trên các nguyên tắc công bằng và có đi có lại.
Ấn Độ ngày càng nhận được sự quan tâm lớn không chỉ của Mỹ mà còn của EU bởi New Delhi ngày càng đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế. EU đang cố gắng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ và toàn diện hơn với Ấn Độ - quốc gia mua vũ khí hàng đầu của Nga trên thế giới. Hơn nữa, để giảm thiểu những tác động lan rộng và lâu dài của cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như ảnh hưởng địa chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc, EU sẽ tìm cách tăng cường sự tham gia chiến lược của khối với các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó Ấn Độ là ưu tiên chiến lược hàng đầu.
Nguyễn Long/dantri.com.vn