Mỹ chỉ trích Trung Quốc khi để các mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B rơi trở lại trái đất một cách mất kiểm soát.
Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ xác nhận các mảnh của tên lửa đẩy nặng 23 tấn của Trung Quốc đã rơi xuống Ấn Độ Dương lúc rạng sáng 31-7 (theo giờ Bắc Kinh) nhưng không rõ quỹ đạo rơi của chúng.
Tên lửa Trường Chinh 5B được phóng đi hôm 24-7 để đưa mô-đun phòng thí nghiệm Vấn Thiên lên trạm vũ trụ mới mà Trung Quốc đang xây dựng trên quỹ đạo. Có điều, ngay sau đó nó lao xuống Trái Đất một cách mất kiểm soát - đánh dấu lần thứ ba Trung Quốc bị cáo buộc "xử lý không đúng cách các mảnh vỡ từ tên lửa trong không gian".
"Không có quốc gia nào để những vật thể nặng hơn 20 tấn quay trở lại quỹ đạo một cách mất kiểm soát như Trung Quốc" - ông Jonathan McDowell, nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, nói với kênh CNN.
Tổng giám đốc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson cũng chỉ trích trên Twitter: "Trung Quốc đã không chia sẻ thông tin quỹ đạo chi tiết trong lúc tên lửa Trường Chinh 5B rơi trở lại Trái Đất. Mọi quốc gia du hành vũ trụ cần tuân thủ cách thực hành tốt nhất và làm tròn bổn phận chia sẻ loại thông tin này từ sớm để tạo điều kiện cho việc dự đoán rủi ro va chạm có thể xảy ra, đặc biệt là đối với thiết bị đẩy có trọng tải nặng như Trường Chinh 5B".
Mỹ chỉ trích Trung Quốc vì để mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B rơi xuống trái đất một cách mất kiểm soát. Ảnh: Reuters
Ông Bill Nelson nhấn mạnh: "Việc chia sẻ thông tin quỹ đạo chi tiết trong lúc tên lửa rơi trở lại trái đất rất quan trọng. Nó thể hiện việc sử dụng không gian một cách có trách nhiệm và đảm bảo sự an toàn cho những người dưới mặt đất".
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Trung Quốc cùng đó cũng thông báo các mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B rơi xuống vùng biển tại Tây Nam Philippines và "hầu hết" mảnh vụn đã cháy hết trong quá trình trở lại trái đất.
"Điều mà chúng tôi thực sự quan tâm liệu rằng có bất kỳ mảnh ghép nào rơi xuống mặt đất hay không. Có thể phải mất một thời gian mới xác định được điều này" - nhà thiên văn học McDowell nói thêm.
Trước đó, các nhà phân tích cho biết phần thân tên lửa Trường Chinh 5B sẽ cháy hết khi xuyên qua không khí rơi trở lại mặt đất. Tuy nhiên, vì kích cỡ lớn nên phần thân này vẫn sẽ để lại nhiều mảnh nhỏ với diện tích rơi bao phủ một vùng dài khoảng 2.000 km, rộng 70 km.
Trung Quốc lần đầu phóng tên lửa Trường Chinh 5B vào không gian năm 2020. Khi đó, nó cũng rơi trở lại Trái Đất một cách mất kiểm soát, gây thiệt hại cho một số tòa nhà ở Bờ Biển Nga nhưng không gây thương tích về người.
Bằng Hưng/nld.com.vn