Chuyên gia cảnh báo cả lực lượng Nga và Ukraine đều có thể đối mặt với thách thức gây ảnh hưởng tới đà tiến của 2 bên khi mùa thu tới.
Địa hình lầy lội vào mùa thu ở Ukraine có thể ảnh hưởng tới đà tiến của cả lực lượng Kiev và Moscow (Ảnh minh họa: Reuters).
Theo Yahoo News, thời tiết Ukraine đang chuyển sang mùa thu và vào thời điểm này, quốc gia Đông Âu thường xuất hiện hiện tượng "bùn lầy". Hai thời điểm Ukraine thường có bùn lầy là vào mùa xuân khi tuyết tan và mùa thu khi mưa lớn xảy ra với cường độ dày.
Khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi đầu năm, chuyên gia Jason Lyall từng nhận định bùn lầy là một trong những yếu tố mang lại lợi thế cho Ukraine để phòng thủ trước Nga.
Chuyên gia Alyssa Demus từ tổ chức Rand Corp cho rằng, bùn lầy đã khiến các phương tiện của Nga di chuyển khó khăn hơn tại Ukraine, tác động trực tiếp tới kế hoạch tác chiến của lực lượng Moscow.
Các hình ảnh từ hiện trường cho thấy, trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, Nga dường như phải bỏ lại một số phương tiện bị sa lầy trong bùn đất vào thời điểm tuyết tan ở Ukraine. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Mick Ryan nhận định, hiện tượng bùn lầy vào mùa thu có thể sẽ không mang lại nhiều thách thức như thời điểm mùa xuân.
"Tôi không nghĩ hiện tượng bùn lầy vào mùa thu sẽ có tác động như nó từng gây ra vào mùa xuân", ông Ryan nhận định.
Mặc dù vậy, một nhà phân tích của chuyên trang quân sự Janes nhận định, bùn lầy dường như sẽ khiến tốc độ chiến sự chậm lại và gây ảnh hưởng tới cả Nga và Ukraine.
Hiện tại, Ukraine cũng đã bắt đầu kế hoạch phản công Nga trên diện rộng, họ không còn co cụm phòng thủ. Vì vậy, thời tiết bùn lầy vào mùa thu dường như không chỉ tác động tới phía Nga mà cả Ukraine cũng có thể gặp thách thức.
Nhà phân tích trên nhận định: "Hiện tại, Nga và Ukraine đang giành quyền kiểm soát lãnh thổ với niềm tin rằng bất cứ khu vực nào mà họ có được trước khi mùa hè kết thúc sẽ an toàn trong thời điểm mùa thu và mùa đông".
"Một khi mùa thu tới, lực lượng bộ binh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh việc tiếp tế hậu cần sẽ trở nên thách thức hơn. Hệ thống pháo và hỏa lực sẽ khó di chuyển để thực thi chiến thuật bắn rồi bỏ chạy. Điều này sẽ đẩy các hệ thống vũ khí của Nga và Ukraine vào mối đe dọa bị phản pháo cao hơn", nhà phân tích viết.
Chiến thuật bắn rồi bỏ chạy ám chỉ việc một lực lượng sau khi bắn xong một loạt đạn pháo, hệ thống hỏa lực sẽ ngay lập tức rời vị trí bắn và di chuyển sang nơi khác. Động thái này được thực hiện để tránh việc tổ hợp hỏa lực bị đối thủ phát hiện ra vị trí chính xác và nhằm mục tiêu tấn công đáp trả.
Giới quan sát dự đoán, với nguy cơ phương tiện bị kẹt trong bùn lầy, cả Nga và Ukraine có thể sẽ thận trọng hơn trong việc điều khiển các phương tiện di chuyển trên các địa hình ở chiến trường. Họ có thể lựa chọn ở yên một chỗ hơn là đối mặt với rủi ro bị mất phương tiện do bị sa lầy xuống bùn.
Theo dantri.com.vn