Quân đội nhiều nước phương Tây đã liên tục chuyển giao thêm vũ khí nhằm hỗ trợ đà phản công của Ukraine ở khu vực miền Nam.
Pháo tự hành Archer của Thụy Điển (Ảnh: Wikimedia Commons).
Trong một thông báo được đưa ra hôm 31/8, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde tuyên bố nước này sẽ cung cấp một gói hỗ trợ quân sự trị giá 50 triệu euro cho quân đội Ukraine.
Trong gói hỗ trợ lần này, Thụy Điển sẽ cung cấp cho Ukraine một số lượng lớn đạn pháo để tiếp sức cho chiến dịch phản công giành lại vùng lãnh thổ phía Nam nước này.
Bên cạnh đó, Stockholm cũng để ngỏ khả năng cung cấp cho Kiev hệ thống pháo tự hành uy lực Archer cùng tổ hợp phòng không RBS-70. Các chuyên gia phân tích nhận định các vũ khí hiện đại này sẽ sớm được chuyển đến Ukraine. Thụy Điển đã cam kết về một gói viện trợ với tổng trị giá lên tới 100 triệu euro cho Ukraine.
Trước đó, Cộng hòa Séc đã chuyển đến Ukraine 72 xe tăng chiến đấu chủ lực T-72. Quyết định này được đưa ra sau khi Đức đồng ý hỗ trợ Cộng hòa Séc thay thế số xe tăng T-72 này bằng các xe tăng Leopard hiện đại hơn.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72M4CZ của Cộng hòa Séc (Ảnh: Defense Express).
Theo đó, sau khi gửi xe tăng T-72 cho Ukraine, Prague sẽ nhận được 15 xe tăng Leopard 2, 20 xe tăng Leopard 2A4 cùng 40 xe tăng 2A7 từ Berlin.
Trong thời gian gần đây, các đồng minh phương Tây đã liên tục gửi thêm vũ khí cho quân đội Ukraine nhằm tăng cường hỏa lực và năng lực tác chiến cho lực lượng này trong chiến dịch phản công giành lại miền Nam Ukraine.
Hôm 24/8, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố một gói viện trợ quân sự kỷ lục cho Ukraine. Trong gói viện trợ này, Kiev sẽ nhận được từ Washington D.C: 6 hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến NASAMS, 245.000 đạn pháo cỡ nòng 155mm, 65.000 đạn cối cỡ nòng 120mm, 24 radar phản pháo, các hệ thống máy bay không người lái (UAV) Puma, linh kiện hỗ trợ cho UAV Scan Eagle, tổ hợp thiết bị chống UAV VAMPIRE, tên lửa dẫn đường bằng tia laser, cùng ngân sách cho việc huấn luyện và bảo trì.
Gói hỗ trợ này được trích quỹ từ Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) nhằm cho phép chính quyền Tổng thống Biden mua vũ khí từ các tập đoàn công nghiệp thay vì lấy vũ khí từ các kho vũ khí hiện có của Mỹ.
Quân đội Ukraine đã tuyên bố bắt đầu chiến dịch phản công lớn nhằm giành lại vùng lãnh thổ miền Nam từ tay người Nga vào ngày 29/8. Để chiến dịch được diễn ra thuận lợi, nhà chức trách Ukraine đã kêu gọi người dân tại khu vực giao tranh di tản đến người an toàn.
Để đối phó với chiến dịch phản công của Kiev, quân đội Nga được cho là đã điều động lực lượng dự bị chiến lược thuộc Tập đoàn quân số 3 tới tham chiến tại Ukraine. Tối 28/8, một đoàn tàu chở theo nhiều binh sĩ và trang thiết bị quân sự hạng nặng của Nga được nhìn thấy tại điểm tập kết ở ga đường sắt Neklinovka ở vùng Rostov, nơi cách biên giới Ukraine chỉ khoảng 150km.
Tùng Nguyễn/dantri.com.vn