Một năm sau khi người Mỹ rời đi, Afghanistan vẫn đang chìm trong suy thoái kinh tế, khủng hoảng nhân đạo, đối mặt với vô vàn thách thức và vẫn chưa được cộng đồng quốc tế công nhận.
Afghanistan đang lâm vào một thảm họa nhân đạo khiến nhiều người không có đủ lương thực để ăn mỗi ngày (Ảnh: Getty).
Nền kinh tế sụp đổ
Ngày 30/8/2021, những binh sĩ cuối cùng của Mỹ đã rời khỏi Afghanistan, chấm dứt sự hiện diện quân sự kéo dài gần 20 năm của Mỹ ở vùng đất Tây Nam Á này và đánh dấu việc Taliban quay trở lại nắm quyền.
Một năm sau ngày Taliban giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn Afghanistan, quốc gia Tây Nam Á này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng và nạn đói được đánh giá là có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người hơn so với 20 năm chiến tranh đã qua.
Những nỗ lực cô lập Taliban của cộng đồng quốc tế, cùng các chính sách của chính quyền hiện tại, đã làm tổn thương trầm trọng đến cuộc sống hàng ngày của người dân Afghanistan và đang đẩy đất nước này đến bờ vực của nạn đói. Các chính sách hà khắc của Taliban cũng khiến các nhà đầu tư tiềm năng sợ hãi, qua đó khiến Afghanistan khó tiếp cận với dòng vốn và tiền viện trợ nước ngoài. Hơn nữa, các thủ lĩnh Taliban có hiểu biết rất hạn chế về thị trường tài chính cũng như cạm bẫy của việc quản lý một nền kinh tế hiện đại, khiến việc điều hành nền kinh tế Afghanistan trở nên kém hiệu quả.
Nhiều gia đình phải bỏ bữa, lâm vào tình trạng nợ nần, con cái bỏ học và thậm chí nhiều người phải bán con gái để lấy tiền, hoặc cho tảo hôn nhằm giảm bớt khó khăn.
Trong 2 thập niên qua, Afghanistan phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ nước ngoài. Tuy nhiên, hiện giờ phần lớn các khoản viện trợ đã bị đình chỉ. Dự trữ ngoại hối của Afghanistan cũng bị đóng băng, lĩnh vực ngân hàng sụp đổ và các nhà chức trách Taliban cũng từ chối đề nghị giúp đỡ của quốc tế.
Bên cạnh đó, việc phụ nữ bị hạn chế quyền tiếp cận công việc khiến quốc gia này chịu thiệt hại lên tới 1 tỷ USD, cùng với đó là giá lương thực tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp lên đến mức kỷ lục. Tất cả những điều này dẫn đến sự sụp đổ kinh tế và hậu quả đều đổ lên đầu người dân Afghanistan.
Ủy ban Cứu hộ Quốc tế (IRC) Afghanistan dự báo khoảng 97% dân số Afghanistan sẽ phải sống dưới mức nghèo khổ vào cuối năm nay. Afghanistan hiện cần khoản viện trợ trị giá 4,47 tỷ USD để có thể giảm áp lực đói nghèo. Mặc dù vậy, cho đến nay, thế giới vẫn chưa mở rộng quy mô tài trợ nhân đạo để đáp ứng nhu cầu này.
Luật lệ hà khắc với phụ nữ và trẻ em gái
Bất chấp những cam kết từ khi tiếp quản Afghanistan, Taliban đã khôi phục các chính sách và quy định hà khắc mà họ đã áp dụng từ những năm 1990, đặc biệt với các phụ nữ và trẻ em gái.
Những chính sách trên khiến vai trò của phụ nữ trong xã hội Afghanistan bị thu hẹp, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận công việc, giáo dục và quyền tự do đi lại. Phụ nữ Afghanistan đã chứng kiến quyền lợi của họ biến mất ngay trước mắt và ước mơ về tương lai của các cô gái trẻ đã bị dập tắt. Gần như tất cả các hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ đều bị mất thu nhập. Mối đe dọa bạo lực luôn hiện hữu hàng ngày trong cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan.
Một báo cáo gần đây của IRC cũng cho thấy trong 12 tháng qua, 77% các tổ chức xã hội dân sự ở Afghanistan do phụ nữ lãnh đạo đã mất nguồn tài chính. Hầu hết đã phải ngừng các dịch vụ quan trọng mà họ cung cấp cho các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em sống ở các vùng nông thôn.
Hơn nữa, các luật lệ hà khắc và hạn chế cũng khiến trẻ em gái từ lớp 6 trở lên không được đến trường. Ước tính, có khoảng 1,1 triệu trẻ em gái vị thanh niên đang bị ảnh hưởng.
Ngày 20/7, phái bộ Liên Hợp Quốc tại Afghanistan đã công bố một báo cáo nêu chi tiết về các vụ giết người trái pháp luật, tra tấn, bắt giữ và giam giữ tùy tiện cùng vô số hành vi vi phạm các quyền tự do cơ bản khác của Taliban. Báo cáo kết luận tình hình nhân đạo đã trở nên tồi tệ và các vi phạm nhân quyền ở Afghanistan liên tục gia tăng.
Mọi lĩnh vực của cuộc sống đều bị ảnh hưởng, bao gồm cả lĩnh vực truyền thông sôi động một thời. Một năm qua, hàng nghìn nhà báo Afghanistan mất việc và nhiều nhà báo phải bỏ trốn.
Nhà báo Zahra Rahimi, 27 tuổi, quê ở tỉnh Bamiyan miền Trung Afghanistan nói rằng: "Người Mỹ đã thua trong cuộc chiến chống lại Taliban ở Afghanistan và giờ đây chúng tôi phải trả giá".
Một chính phủ chưa toàn diện
Trái ngược với việc nhanh chóng khôi phục nhiều chính sách hà khắc, Taliban đến nay vẫn chưa thiết lập được một cơ cấu quản trị chính thức.
Nội các lâm thời được bổ nhiệm từ những ngày đầu gần như không thay đổi, khiến cho chính quyền Taliban lập ra vẫn chưa bảo đảm tính ổn định, thống nhất và toàn diện.
Các quan chức chính quyền Taliban (Ảnh: Reuters).
Bất chấp những cam kết đã đưa ra, các quyết định của Taliban trong năm qua thể hiện sự thiếu tôn trọng của họ đối với kỳ vọng của cộng đồng quốc tế như đã nêu trong Nghị quyết 2593 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bao gồm sự ra đi an toàn và không bị cản trở của người Afghanistan và tất cả công dân nước ngoài muốn rời khỏi đất nước; đảm bảo tiếp cận nhân đạo trên toàn lãnh thổ Afghanistan; tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là quyền của phụ nữ và trẻ em gái; phá vỡ tất cả các liên kết trực tiếp hoặc gián tiếp, bao gồm cả liên kết tài chính, với các nhóm khủng bố, và đặc biệt là với Al Qaeda và thành lập một chính phủ chuyển tiếp đại diện cho tất cả người dân Afghanistan và đáp ứng nguyện vọng của người dân.
Cho đến nay, Taliban đã có gần 350 tương tác với khoảng 30 quốc gia nhưng chế độ của họ vẫn chưa được cộng đồng quốc tế chính thức công nhận. Các nhà lãnh đạo Taliban vẫn đang cố gắng đổ lỗi cho Mỹ vì điều này. Người phát ngôn chính của Taliban, ông Zabihullah Mujahid, tuyên bố Mỹ chính là trở ngại lớn nhất đối với Afghanistan trong tiến trình được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi.
Theo Viện Hòa bình Mỹ (USIP), hệ thống chính trị của Taliban là "rất khó xác định và được đánh giá thấp". Taliban gọi chính phủ của họ là Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan, tên gọi mà họ sử dụng để tự gọi mình trong suốt hai thập niên nổi dậy vừa qua.
Các tiểu vương quốc được tổ chức xung quanh một nhà lãnh đạo tối cao, Tiểu vương, được cho là được Chúa ban cho quyền giám sát mọi công việc của nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, kể từ khi tiếp quản, Taliban chỉ đưa ra những khẳng định mơ hồ rằng họ sẽ cai quản theo "luật Hồi giáo và các giá trị của Afghanistan" và hiếm khi nêu ra các nguyên tắc chính trị hoặc luật định hướng dẫn các quy tắc và hành vi của họ.
Hơn nữa, chính quyền Taliban vẫn đang thiếu cơ sở cho pháp quyền khi cho phép lực lượng an ninh Taliban xác định đâu là tội phạm ngay tại chỗ và các tòa án của Taliban sẽ ra phán quyết.
Cho đến nay, một số nước đã nối lại phái bộ ngoại giao và bày tỏ mong muốn tái mở cửa đại sứ quán ở Afghanistan như Pakistan, Iran, Ả rập Xê út, Trung Quốc, Nga, Turkmenistan và Qatar. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ một nước nào chính thức lên tiếng công nhận chính quyền Taliban.
Một tương lai bất ổn - thiên đường cho khủng bố?
Cho dù Taliban thực sự có kinh nghiệm và kỹ năng trong chiến đấu và xung đột vũ trang nhưng từng đấy là chưa đủ để có thể giúp họ ngăn chặn các hoạt động khủng bố.
Đã có những lo ngại về khả năng Afghanistan trở thành thiên đường cho khủng bố (Ảnh: Reuters).
Nhà nước Hồi giáo Khorasan (ISK), chi nhánh chính thức của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở khu vực Afghanistan, đã có nhiều hoạt động tàn phá khắp Afghanistan như các vụ đánh bom, ám sát và tấn công liều chết mà Taliban không thể chống lại. ISK còn tiến hành một chiến dịch đánh bom không ngừng nhằm vào nhóm thiểu số Shia Hazara của Afghanistan.
Mặc dù tình hình hiện tại ở Afghanistan không đến mức mà các nhóm khủng bố xuyên quốc gia có thể phát động các cuộc tấn công nhưng các quan chức quốc phòng và tình báo cấp cao của Mỹ đang ngày càng lo ngại rằng, các nhóm thánh chiến như Al Qaeda và ISK có thể tăng cường hoạt động tại đây trong tương lai không xa.
Tướng Mark Milley - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đánh giá, các nhóm khủng bố và thánh chiến chỉ cần từ 12 đến 36 tháng để tổ chức tuyển dụng, đào tạo và triển khai chiến binh ở nước ngoài và tiến hành các cuộc tấn công khủng bố. Cuối tháng 6 vừa qua, Tướng Michael Kurilla, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), cho biết Mỹ đang sở hữu thông tin tình báo xác nhận rằng các nhóm khủng bố đã xây dựng các trại huấn luyện bên trong Afghanistan.
Hơn nữa, việc thủ lĩnh Al Qaeda Ayman Al Zawahri xuất hiện và bị Mỹ tiêu diệt ở trung tâm thủ đô Kabul bằng máy bay không người lái vào ngày 31/7 càng làm tăng thêm sự ngờ vực của phương Tây, kéo dài sự cô lập về mặt ngoại giao đối với Taliban.
Mỹ cáo buộc Taliban đã tiếp nhận và che chở cho thủ lĩnh của Al Qaeda ở Kabul, vi phạm hoàn toàn Thỏa thuận Doha, đe dọa an ninh của các quốc gia khác, đồng thời phản bội người dân Afghanistan và mong muốn được công nhận và bình thường hóa với cộng đồng quốc tế.
Báo New York Times đánh giá, hơn 2 thập niên trước, Mỹ đã đưa quân sang Afghanistan để trả đũa Al Qaeda và đồng minh Taliban vì che chở cho nhóm khủng bố này. Giờ đây, Taliban dường như đang đi vào "vết xe đổ", làm dấy lên lo ngại về việc Afghanistan một lần nữa trở thành nơi trú ẩn an toàn của khủng bố và nguy cơ chính quyền non trẻ của Taliban sẽ không bao giờ được quốc tế công nhận.
Afghanistan một năm sau ngày Taliban trở lại nắm quyền vẫn còn là một bức tranh ảm đạm với những điều khiến thế giới lo ngại. Một tương lai vô cùng ảm đạm sẽ còn kéo dài ở Afghanistan nếu cộng đồng quốc tế không cùng chung tay và làm nhiều hơn nữa để đảm bảo Taliban thực hiện đúng cam kết hòa giải, bảo vệ nữ quyền, xây dựng một chính phủ toàn diện và đổi mới cách thức quản trị đất nước nhằm mang lại cho người dân một cuộc sống tốt đẹp, một nền kinh tế phát triển và một đất nước an toàn.
Theo dantri.com.vn