Tổng thống Vladimir Putin thông báo Nga đang thảo luận một dự án cơ sở hạ tầng mới để cung cấp khí đốt cho Trung Quốc qua Mông Cổ.
Quá trình xây dựng đường ống khí đốt Sức mạnh Siberia (Ảnh: Gazprom).
"Chúng tôi đang thảo luận về khả năng thực hiện một dự án cơ sở hạ tầng lớn, cung cấp khí đốt của Nga cho Trung Quốc thông qua Mông Cổ", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói sau cuộc gặp với Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrai Oyun-Erdene ngày 7/9.
Phát biểu được đưa ra khi hai nhà lãnh đạo tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông do Nga tổ chức ở thành phố Vladivostok.
"Giám đốc điều hành công ty Rosneft đã báo cáo với tôi chỉ một giờ trước rằng, các thỏa thuận đã đạt được trong chuyến công tác của ông ấy đến Mông Cổ để mở rộng hợp tác trong lĩnh vực này. Theo tôi được biết, chúng tôi đã thống nhất tất cả vấn đề liên quan đến nguồn cung dầu", nhà lãnh đạo Nga cho biết thêm.
Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga nhiều năm qua đã nghiên cứu phương án xây dựng một đường ống dẫn khí đốt mới có tên gọi "Sức mạnh Siberia 2" đi qua Mông Cổ để vận chuyển khí đốt từ Nga đến Trung Quốc. Theo Gazprom, đường ống này có thể vận chuyển 50 tỷ m3 khí tự nhiên mỗi năm, ít hơn một chút so với đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) từ Nga sang Đức dưới Biển Baltic.
Đường ống Sức mạnh Siberia hiện tại chạy từ Nga đến Trung Quốc đã được khởi động vào cuối năm 2019 với công suất 61 tỷ m3 mỗi năm. Đường ống này được dự đoán trở thành nguồn thu chính cho Nga trong những năm tới khi châu Âu tìm cách cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga.
Ngay trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổng thống Putin đã ký thỏa thuận thời hạn 30 năm để cung cấp khí đốt cho Trung Quốc. Năm 2021, Nga xuất khẩu 16,5 tỷ m3 khí đốt sang Trung Quốc.
Trước khi đường ống Sức mạnh Siberia đi vào hoạt động, hầu như toàn bộ đường ống của Nga đều hướng tới việc vận chuyển khí đốt cho châu Âu, khiến việc xoay trục sang phía Đông trở thành nỗ lực tốn kém và tốn thời gian đối với Moscow.
Nga tuần trước đã khóa van vô thời hạn đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, viện dẫn lý do kỹ thuật do các lệnh cấm vận của phương Tây. Nga tuyên bố, chỉ khi phương Tây gỡ lệnh trừng phạt, đường ống này mới có thể được sửa chữa và vận hành trở lại. EU cáo buộc Nga vũ khí hóa năng lượng, điều mà Moscow nhiều lần bác bỏ.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen ngày 7/9 thông báo, EU sẽ đề xuất với các nước thành viên về việc áp giá trần với mặt hàng khí đốt của Nga. Trước đó, các Bộ trưởng Tài chính G7 cũng có động thái tương tự.
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn kinh tế phương Đông hôm qua, Tổng thống Vladimir Putin nhận định, thị trường khí đốt châu Âu không còn được xem là quan trọng như trước, khi nguồn cung đang có xu hướng chuyển sang châu Á. Ông Putin cảnh báo cắt nguồn cung năng lượng nếu phương Tây áp giá trần với dầu mỏ và khí đốt xuất khẩu của Nga.
"Ngay cả các đối tác Mỹ (của châu Âu) cũng chuyển hướng các tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng của họ đến các nước châu Á, bao gồm Trung Quốc, để bán với giá cao hơn", ông Putin cho biết.
Thành Đạt/dantri.com.vn